Kinh tế

Xây dựng Cộng đồng ASEAN để cùng phát triển

Từ năm 1997, ý tưởng về Cộng đồng ASEAN đã được lãnh đạo 10 nước trong khối đề cập. Đến năm 2003, các lãnh đạo của ASEAN chính thức quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, nhưng sau đó lại quyết định rút ngắn thời gian và cùng thống nhất đạt mục tiêu vào năm 2015.

BigC Đồng Nai thành hệ thống bán lẻ của chủ đầu tư Thái Lan. Ảnh: H. Giang
BigC Đồng Nai thành hệ thống bán lẻ của chủ đầu tư Thái Lan. Ảnh: H. Giang

* Nhiều thành tựu lớn

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Thương mại Sở Công thương, nói: “Từ cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu hàng hóa trong khối luân chuyển nhiều hơn. Hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng mạnh và nhập khẩu từ thị trường này cũng tăng. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 hệ thống siêu thị bán buôn, bán lẻ của Thái Lan là MM Mega Market (Metro Cash & Carry cũ) và BigC”. ASEAN là thị trường có gần 630 triệu dân với GDP là hơn 2,4 ngàn tỷ USD/năm. AEC đang dần hình thành một không gian chung của 10 nước nên sẽ là khu vực hấp dẫn nhà đầu tư thế giới ở hầu hết các lĩnh vực, như: sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Cộng đồng ASEAN vững mạnh được hợp thành bởi 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC). Hiện nay, xây dựng Cộng đồng ASEAN là mục tiêu chủ đạo cao nhất của ASEAN, được triển khai trong mọi lĩnh vực hợp tác của ASEAN.

Trong các lĩnh vực hợp tác,  Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nổi bật nhất, tạo thành một không gian kinh tế trên nền tảng của khu vực mậu dịch tự do được mở rộng về phạm vi và nâng cao mức độ tự do hóa. Trong đó, cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển khá thuận lợi về dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động có tay nghề. Có mức độ hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành và kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), cho hay: “AEC hình thành với mục tiêu hướng đến là trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất. Các nước trong khối ASEAN sẽ cùng hợp tác, bổ sung cho nhau để tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn chứ không cạnh tranh lẫn nhau”.

Theo ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, AEC chính thức thành lập đã giúp Việt Nam và các nước trong khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn so với đầu tư vào châu Âu, Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp đầu tư vào ASEAN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu từ các nước trong khối sẽ không phải chịu thuế. Đặc biệt, AEC sẽ cắt bớt các đặc quyền, đặc lợi của doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.       

* Hàng hóa lưu thông nhiều hơn

AEC bắt đầu hình thành từ cuối năm 2015 đã giúp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và các nước trong khu vực tăng lên. Hàng hóa trong khối luân chuyển nhiều hơn vì thuế xuất nhập khẩu đã và đang dần về 0%.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào các nước trong khối ASEAN trong 7 tháng của năm là 835 triệu USD, tăng 80 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. ASEAN cũng là thị trường xuất siêu lớn của Đồng Nai trong những năm gần đây. Để đón đầu AEC, đầu tư của các nước trong khối vào Đồng Nai những năm gần đây cũng tăng đáng kể. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tính từ năm 1994 đến nay thì đầu tư của các nước ASEAN vào Đồng Nai khoảng 4,36 tỷ USD. Những nước dẫn đầu ASEAN trong đầu tư vào tỉnh là: Singapore, Thái Lan, Brunei...

Hàng hóa trong khối ASEAN vào Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng khá đa dạng và phong phú, được nhiều người tiêu dùng chọn lựa, như: điện máy, thực phẩm, nước giải khát, hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, may mặc... Do không còn phải chịu thuế nên giá chỉ xấp xỉ hoặc rẻ hơn hàng sản xuất trong nước.

Ông Mai Đại Nguyên, Giám đốc Trung tâm điện máy Đại Nguyên (ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), cho hay: “Từ khi AEC chính thức thành lập, các mặt hàng điện máy từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia vào Việt Nam khá nhiều. Có những thương hiệu lớn trong lĩnh vực điện máy không sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam nữa mà nhập từ các nước trong khối về và giá đôi khi rẻ  hơn hàng cùng loại sản xuất trong nước”. Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống cho thấy hàng từ các nước ASEAN vào Đồng Nai ngày càng nhiều và giá rất cạnh tranh. 

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,092,029       11/1,000