Nhiều năm gắn bó với ngành dệt may trong nước nên ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.Hồ Chí Minh, hiểu rất rõ những điểm mạnh, yếu của ngành.
Ông là người tư vấn cho nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai trong sản xuất, xuất khẩu. Theo ông, để ngành dệt may trong nước nâng cao được khả năng cạnh tranh, các DN nên tận dụng hết những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hiện nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Hàng dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu sang được hơn 100 quốc gia, song thị trường lớn vẫn xoay quanh Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy là nước xuất khẩu dệt may lớn nhưng hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là gia công, nguyên liệu phải nhập khẩu nên lợi nhuận thu được không cao.
* Chưa khai thác hết lợi thế
Việt Nam đã ký kết hơn 10 FTA và các dòng thuế suất đã và đang giảm dần về 0%. Theo ông, DN ngành dệt may đã tận dụng được bao nhiêu lợi thế từ những hiệp định trên?
- Việt Nam tham gia hội nhập với tốc độ khá nhanh và hiện đang là một trong những nước tham gia nhiều FTA nhất trên thế giới. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 12 FTA song phương và đa phương, trong đó có 10 FTA đã chính thức có hiệu lực. Hầu hết các FTA mà Việt Nam đang tham gia đều thực hiện cắt giảm thuế, trong đó nhiều FTA đưa thuế suất mặt hàng dệt may về 0% ngay từ khi có hiệu lực.
Đây được xem là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao thị phần tại các thị trường chủ lực. Dệt may là một trong 3 ngành đóng góp chủ lực vào xuất khẩu của cả nước. Dù đã xuất khẩu được sang nhiều nước nhưng hàng dệt may của Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường trọng điểm, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo quan sát của tôi, nhiều DN chưa khai thác được những lợi thế từ các FTA mang lại. Điều này thể hiện qua tỷ lệ tận dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của ngành dệt may trong năm 2016 để được hưởng ưu đãi thuế suất chỉ chiếm hơn 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Việc này đồng nghĩa với gần 43% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị áp thuế thông thường, kể cả xuất khẩu đến các nước Việt Nam đã có FTA.
Theo ông, thị trường nào các DN dệt may Việt Nam đang tận dụng tốt và được nhiều ưu đãi từ FTA?
- Xét về thị trường, Hàn Quốc là địa điểm mà DN Việt Nam tận dụng được nhiều ưu đãi từ FTA nhất. Hiện có khoảng 60-70% hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Trong khi đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA hàng dệt may đối với các thị trường thuộc khu vực ASEAN chỉ đạt khoảng 30%. Do đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1,2 tỷ USD, tăng 18%. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam và có mức tăng trưởng cao nhất. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc tăng cao chủ yếu nằm trong khối DN nước ngoài, riêng DN trong nước ít tận dụng được cơ hội.
Trên thị trường xuất khẩu dệt may quốc tế, hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khối ASEAN. Nếu so với các nước có xuất khẩu dệt may lớn trên thì Việt Nam có đang yếu thế?
- Dù phải cạnh tranh gay gắt với hàng của các nước nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn đạt trên 14 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ và cao hơn so với mức tăng 6% của năm trước. Một số thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản trong những tháng đầu năm đều giảm nhập khẩu hàng dệt may và những nước có dệt may xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đều bị giảm kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường trên từ 1-5%.
Riêng Việt Nam lại có sự trỗi dậy trong cạnh tranh với các nước xuất khẩu đi châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á... nên tốc độ tăng trưởng có cao hơn năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ tăng 1%, vào EU tăng 8%, Nhật Bản 12% và Hàn Quốc 18%. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành thì tăng trưởng của xuất khẩu dệt may vào những thị trường lớn không ổn định do Việt Nam chủ yếu là gia công, nguyên phụ liệu bình quân nhập khẩu đến 70%.
Đây cũng là một trong những yếu thế lớn nhất của ngành dệt may trong nước khiến các DN khó chủ động được sản xuất. Về lâu dài, nếu Việt Nam không chủ động được nguyên phụ liệu cho ngành dệt may thì sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế do không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của FTA.
* Doanh nghiệp phải thay đổi
Nhiều DN tỏ ra lo lắng khi Việt Nam không còn lợi thế về lao động giá rẻ, thuế suất thì các đơn hàng lớn sẽ dịch chuyển sang những nước có ưu đãi hơn, khi ấy ngành dệt may sẽ rơi vào khó khăn rất lớn? Theo ông, DN dệt may phải làm gì để vượt qua nỗi lo này?
- Theo tôi, để ngành dệt may phát triển ổn định và không lo bị thua trong xuất khẩu thì các DN Việt Nam phải liên tục tái cơ cấu, tập trung đầu tư máy móc hiện đại đáp ứng được những đơn hàng khó tính, đồng thời tăng số lượng, chất lượng sản phẩm và tăng năng suất của lao động. Làm được những việc trên, DN sẽ hạ được giá thành sản phẩm xuống mức thấp. Như vậy, khi các lợi thế từ FTA, lao động giá rẻ qua đi chúng ta vẫn đủ sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của những nước khác.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi phù hợp, đủ sức hấp dẫn các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thì giá trị gia tăng thu được sẽ cao hơn. DN dệt may phải liên tục tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu sang những nước khác để tránh quá lệ thuộc vào một vài thị trường lớn khi có biến động sẽ rất khó chống đỡ. Ngoài ra, các DN cũng cần am hiểu sâu về đặc thù, yêu cầu và dự báo rủi ro có thể xảy ra tại từng thị trường để hạn chế thiệt hại.
Mấy năm gần đây, những tỉnh, thành có dệt may phát triển như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... đều kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Việc này liệu có dẫn đến tình trạng thiếu nhưng vẫn thừa nguyên liệu cho ngành?
- Vấn đề này Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có nói đến và muốn tránh được tình trạng nguồn cung cấp nguyên liệu thiếu nhưng vẫn thừa, Chính phủ có quy hoạch chi tiết phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may để thu hút cho phù hợp. Chẳng hạn như Đồng Nai ưu tiên thu hút nhiều DN đầu tư vào ngành dệt vải thì TP.Hồ Chí Minh nên mời gọi đầu tư làm sợi, tỉnh Bình Dương làm những nguyên phụ liệu khác... Như vậy công nghiệp hỗ trợ sẽ cùng phát triển, bổ trợ cho nhau không xảy ra tình trạng thiếu nhưng vẫn thừa nguyên liệu cho ngành dệt may và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm sẽ dần được cải thiện.
Phía các DN khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may cũng phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường và chú ý đến chất lượng và giá cả của sản phẩm. Nếu sản phẩm có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, DN đáp ứng nhanh các đơn hàng lớn thì dễ dàng kết nối cung ứng cho các đối tác trong nước.
Dệt may của Việt Nam phát triển khá sớm nhưng đến nay vẫn chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu và gia công. Có phải là chúng ta đã đi lệch hướng?
- Ngành dệt may của Việt Nam phát triển đúng hướng, nhưng không quy hoạch và phát triển đồng bộ. Đơn cử là chúng ta chỉ tập trung phát triển khâu may mặc để hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu mà quên rằng phải cùng đầu tư sản xuất những nguyên phụ liệu khác cho ngành dệt may. Vì thế, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may đi chậm hơn nhiều so với ngành dệt may, dẫn đến nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ nên giá thành bị đẩy lên cao, tính cạnh tranh giảm và lợi nhuận thấp.
Gần đây, các tỉnh cũng tập trung mời gọi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, song thực tế rất ít DN chịu đầu tư. Nguyên nhân là do những chính sách ưu đãi cho ngành này khó tiếp cận, trong khi rủi ro lại cao vì phải cạnh tranh khốc liệt với nguyên liệu của Trung Quốc, Ấn Độ. Để DN mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, Chính phủ có những chính sách cụ thể, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)