"Hàng ngày, các gia đình vẫn thường sử dụng rất nhiều túi ny-lông để đựng đồ. Nhưng rất ít người biết được đâu là loại túi sạch có thể đựng được thực phẩm nóng, đâu là túi chỉ đựng đồ dùng gia dụng. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm" - bà Khấu Thị Kim Châu, Giám đốc Công ty TNHH Trường Toàn Phát (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
“Hàng ngày, các gia đình vẫn thường sử dụng rất nhiều túi ny-lông để đựng đồ. Nhưng rất ít người biết được đâu là loại túi sạch có thể đựng được thực phẩm nóng, đâu là túi chỉ đựng đồ dùng gia dụng. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm” - bà Khấu Thị Kim Châu, Giám đốc Công ty TNHH Trường Toàn Phát (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Bà Khấu Thị Kim Châu kiểm hàng tại của hàng đồ nhựa trên đường Hồ Văn Đại (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Ảnh: V. Nam |
Gần như là một thói quen, đi đến đâu gặp túi ny-lông, bà Châu cũng đều cầm lên kiểm tra xem được làm bằng loại nhựa gì, có pha tạp chất hay không.
* Khởi nghiệp bằng 4 triệu đồng
Năm 2002, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, bà Châu vào làm việc cho một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Sau hơn 1 năm thì bà nghỉ việc. Với vẻn vẹn 4 triệu đồng tiền lương tháng cuối cùng, bà dành làm vốn để kinh doanh. Nghiên cứu các lĩnh vực, cuối cùng bà Châu chọn ngành bao bì, cụ thể là túi ny-lông để phát triển. Bà Châu kể, thời gian đầu không đủ vốn, bà phải cầm cả chiếc xe máy đang chạy để có tiền lấy hàng. Bà đến nơi sản xuất túi ny-lông mua hàng, sau đó tới các khu công nghiệp chào bán cho các nhà máy có nhu cầu bọc hàng xuất khẩu. Thời điểm đó, mức độ cạnh tranh trong ngành này còn chưa khốc liệt như hiện nay.
Sau hơn 2 năm thì bà Châu bắt đầu chủ động được nguồn tài chính, lúc này lượng khách hàng quen cũng đã tăng lên khá nhiều. Các khách hàng ra điều kiện, để cung cấp hàng ổn định bà phải có nhà máy sản xuất. Một giai đoạn mới lại bắt đầu, vốn liếng được tiếp tục dồn vào máy móc sản xuất. Đến nay, công ty của bà có hơn 20 chiếc máy để sản xuất túi ny-lông với đủ kích cỡ theo yêu cầu của khách hàng.
* Lấn sang hàng tiêu dùng
Khi sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp khá ổn định, bà Châu quyết định lấn sang sản xuất sản phẩm hàng tiêu dùng. “Tôi thực sự sốc khi mở cửa hàng bán túi ny-lông sạch, khách hàng không hề quan tâm việc chất lượng mà chỉ quan tâm đến giá. Trong khi đó, các doanh nghiệp mua túi để đóng gói hàng luôn quan tâm kiểm tra xem thành phần của túi có độc tố hay không” - bà Châu bộc bạch. Bà Châu cho hay, các loại túi ny-lông nếu pha trộn các chất khác vào trong quá trình sản xuất, khi đựng thực phẩm nóng, độc tố sẽ tan ra rất nguy hiểm.
Theo tính toán của bà Châu, 1kg túi ny-lông sạch giá thành cao hơn 1kg túi ny-lông pha trộn bán trên thị trường khoảng 5 ngàn đồng. Sở dĩ giá bán của loại bịch ny-lông pha trộn rẻ là do nhà sản xuất đã trộn vào đó hơn 20% lượng bột đá, thay vì toàn bộ là nhựa nguyên sinh.
Dù sản phẩm bán ra ở cửa hàng của mình (trên đường Hồ Văn Đại, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đang phải bù lỗ, song bà Châu vẫn chấp nhận để tạo thói quen cho người tiêu dùng. Thời gian tới bà sẽ tiếp tục mở thêm cửa hàng để bán sản phẩm trên đường Đồng Khởi, sau đó là một số điểm khác ở TP.Biên Hòa.
Vân Nam