Vấn đề khiến nhiều công ty đầu tư hạ tầng lo lắng trong buổi giao ban với Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai vào đầu tháng 8 vừa qua là việc bồi thường giải phóng mặt bằng quá chậm.
Điều này đã làm cho các doanh nghiệp gặp khó trong xây dựng hạ tầng, mời gọi đầu tư, kết nối giao thông.
Khu công nghiệp Long Thành còn 7 hộ dân chưa giao mặt bằng để hoàn thiện hạ tầng. |
Tính đến đầu tháng 8-2017, Đồng Nai có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích khoảng 10.243 hécta, trong đó có 2 KCN đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng và thu hồi đất là: KCN công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) và KCN Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch). Các KCN thu hút gần 21,5 tỷ USD vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài và gần 50,4 ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp trong nước.
* Vẫn vướng mặt bằng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lưu ý, các địa phương nên chú ý những nơi đã quy hoạch phát triển KCN thì không cho điều chỉnh chuyển sang mục tiêu khác, nếu không sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn đến khi triển khai xây dựng KCN sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi đất làm hạ tầng. |
Theo tổng hợp của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 9/30 KCN đang hoạt động còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên việc xây dựng hạ tầng bị chậm lại làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Mã Văn Ra, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom), cho biết: “KCN Sông Mây rộng khoảng 474 hécta, triển khai theo 2 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn 1 vẫn còn 44 hécta kéo gần 8 năm chưa bồi thường xong; giai đoạn 2 việc bồi thường cũng rất chậm. Bồi thường, giải tỏa kéo dài gây khó khăn rất lớn cho công ty trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dự án theo tiến độ đầu tư như đã cam kết với tỉnh”.
Nhiều KCN cũng vì công tác bồi thường, giải tỏa kéo dài nhiều năm khiến các công ty hạ tầng không thể đầu tư kết nối giao thông hoặc mời gọi nhà đầu tư thứ cấp. Có những công ty hạ tầng do công tác bồi thường kéo dài, không làm được hạ tầng để giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà xưởng sản xuất nên đã mất đi cơ hội trong thu hút đầu tư vào KCN.
Ông Thái Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom), nói: “KCN Hố Nai còn 16 hécta đất của giai đoạn 1 hiện vẫn chưa bồi thường xong nên không hoàn chỉnh được hạ tầng và kết nối giao thông. Nhiều năm nay công ty đều kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ việc thu hồi đất nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành”.
Tại KCN Hố Nai, công tác bồi thường kéo dài đã 15 năm và đang triển khai tiếp giai đoạn 2 nhưng nhiều hộ dân chưa chịu giao đất. Ngoài ra, các KCN khác như: Amata, Tam Phước (TP.Biên Hòa), Long Thành (huyện Long Thành), Giang Điền, Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cũng đang gặp vướng mắc trong việc bồi thường.
* Làm nhanh việc bồi thường
Thực tế, hiện đang có những KCN công tác bồi thường, giải tỏa kéo dài hơn 10 năm chưa hoàn thành gây không ít phiền hà cho chủ đầu tư.
“Bồi thường, giải tỏa kéo dài nhiều năm đã khiến các công ty hạ tầng gặp nhiều khó khăn và rất bức xúc vì không giải phóng được mặt bằng, có đất sạch để hoàn thiện hạ tầng KCN kết nối với giao thông, cho thuê đất gây thiệt hại cho nhà đầu tư” - ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho hay.
Hiện nay, 40% nguồn thu ngân sách của tỉnh là từ các KCN cho nên UBND tỉnh rất quan tâm đến việc cải tạo môi trường đầu tư để thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực. Bình quân các KCN của Đồng Nai đã cho thuê đất được hơn 70%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Đồng Nai cũng là tỉnh có KCN nhiều nhất cả nước và được coi là nôi phát triển công nghiệp. Do đó, công tác bồi thường, giải tỏa kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công hạ tầng KCN là một trong những hạn chế lớn với môi trường đầu tư của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Bồi thường, giải tỏa tại các KCN được giao cho UBND các huyện, TP.Biên Hòa xử lý. Nếu công tác bồi thường kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh. UBND địa phương phải hỗ trợ các công ty hạ tầng giải quyết nhanh việc bồi thường, giao đất sạch để thực hiện dự án nhằm tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, tránh để doanh nghiệp vào đầu tư rồi bỏ bê”.
Hương Giang