TP.Hồ Chí Minh vừa triển khai hàng loạt đề án truy xuất nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi đến trồng trọt. Đây cũng là đòi hỏi chung của thị trường nội địa trong thời gian tới. Để tồn tại, nông dân phải chủ động thay đổi thói quen sản xuất an toàn từ trên cánh đồng và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm làm ra.
Nông sản đạt chất lượng an toàn mới đủ tiêu chuẩn vào chợ đầu mối nông sản sạch Dầu Giây. Hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối Dầu Giây. |
Những thị trường khó tính, như: Mỹ, châu Âu... cũng ngày càng khắt khe hơn với nông sản nhập khẩu. Cụ thể, nông sản nhập khẩu vào Mỹ thay vì trước đây chỉ kiểm tra chất lượng ở khâu cuối cùng là cảng nhập khẩu vào Mỹ, thì tới đây sẽ chuyển sang kiểm soát ngay ở nước xuất khẩu với trọng tâm là tăng cường việc truy xuất nguồn gốc với yêu cầu giám sát trên toàn chuỗi và có tần suất kiểm tra bắt buộc với các cơ sở sản xuất xuất khẩu vào Mỹ.
* Sẽ không còn thị trường dễ tính
Tại hội nghị triển khai việc truy xuất nguồn gốc con heo tổ chức tại Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, khẳng định: “Điểm nổi bật của các đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt thành phố đang triển khai là người tiêu dùng sẽ tham gia trực tiếp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ở đây, quản lý chất lượng sẽ đi vào chiều sâu vì gắn với sản phẩm ra thị trường là tên tuổi các trang trại, doanh nghiệp giết mổ, kinh doanh nên họ buộc phải tự nâng cao trách nhiệm của mình. Chúng tôi sẽ công khai danh tính các đơn vị vi phạm để người tiêu dùng thể hiện quyền chọn lựa và tẩy chay sản phẩm không an toàn”. |
Không chỉ những thị trường khó tính đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao với nông sản xuất khẩu. Trong tương lai gần, nông sản muốn vào thị trường dễ tính nhất hiện nay là Trung Quốc cũng phải đạt tiêu chuẩn an toàn và truy xuất được nguồn gốc. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho biết: “Gần đây, giá heo hơi có khởi sắc hơn vì Trung Quốc bắt đầu ăn hàng trở lại. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc và một số thị trường dễ tính trước đây như Campuchia hiện đều ưu tiên chọn heo từ các công ty lớn. Thị trường xuất khẩu heo hơi nếu có khởi sắc cũng sẽ siết chặt hơn về tiêu chuẩn và chỉ những sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, có uy tín chất lượng mới tồn tại được”.
Ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, nhận định: “Vấn đề sức khỏe đang được người dân đặt lên hàng đầu nên họ sẽ chọn lựa thực phẩm dựa trên chất lượng, sự an toàn. Nếu làm ra sản phẩm an toàn, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì chỉ tính đến nhu cầu của thị trường nội địa, người nuôi heo vẫn sẽ sống khỏe”.
Ông Nguyễn Bi, Phó trưởng ban Quản lý chợ nông sản sạch Dầu Giây (huyện Thống Nhất), nhận xét: “So với trước đây, việc kiểm soát nông sản về các chợ đầu mối có rất nhiều thay đổi. Sản phẩm vào chợ đều truy xuất được là của hợp tác xã nào, địa phương nào, quy trình sản xuất ra sao. Vì chợ Dầu Giây mới đi vào hoạt động nên chúng tôi chủ yếu vẫn nhắc nhở là chính, nhưng sau này sẽ dần siết chặt việc quản lý, sản phẩm đạt yêu cầu mới được vào chợ”.
Việc thực hiện truy xuất nguốn gốc và nông dân phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình không chỉ là yêu cầu riêng của thị trường TP.Hồ Chí Minh mà được nhiều tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai quan tâm thực hiện.
* Thay đổi từ cánh đồng
Suốt thời gian dài, nông dân Việt Nam đã quen chạy theo thâm canh, tăng vụ để đạt năng suất tối đa, từ đó cũng hình thành thói quen lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để đạt hiệu quả nhanh nhất. Chỉ ra tác hại của thói quen canh tác chạy theo số lượng này, PGS.Trịnh Xuân Vũ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Sâu bệnh và việc lạm dụng phân khoáng cùng với thuốc bảo vệ thực vật độc hại là một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của ngành trồng trọt. Để giải quyết tốt vấn đề trên, phải thay đổi từ ý thức sản xuất an toàn của người nông dân trên chính cánh đồng của họ”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại trái cây an toàn Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) với hơn 30 hécta trồng các giống đặc sản mãng cầu hạt lép và xoài cát Hòa Lộc, chia sẻ: “Tôi đang triển khai làm chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm trái cây của trang trại dù vẫn đang tiêu thụ được thị trường nội địa. Tôi mong chương trình kiểm soát và truy xuất nguồn gốc nông sản được các địa phương triển khai nhanh và chặt chẽ để nông sản sạch sớm có được chỗ đứng trên thị trường. Có như vậy thì mới khuyến khích nông dân tích cực tham gia nhân rộng sản xuất an toàn”.
Bình Nguyên