24h qua - Thế giới

Dã tâm bành trướng của Trung Quốc

PN - Trong lúc Nhật Bản hết sức phẫn nộ về việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc (TQ) áp sát máy bay Nhật trên không phận ở Biển Hoa Đông,

Bản chất bành trướng và dã tâm đen tối của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ biển đảo đã không còn lừa dối được ai nữa, mà chỉ càng khiến các nước xích lại gần nhau để đối phó với mối họa chung.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, TQ đã điều máy bay tiêm kích Su-27 áp sát máy bay quân sự Nhật Bản trên không phận Biển Hoa Đông. Cuộc chạm trán bất ngờ diễn ra ngày 24/5, khi chiếc máy bay chiến đấu Su-27 của TQ, được trang bị tên lửa không đối không, chỉ cách máy bay trinh sát OP-3C của Nhật Bản 50m, sau đó máy bay này lại áp sát máy bay do thám điện tử YS-11EB của Nhật với khoảng cách chỉ 30m. Đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ TQ áp sát máy bay trinh sát Nhật Bản ở khoảng cách gần như vậy, một sự cố mà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói “có thể dẫn đến tai nạn”. Sau vụ chạm trán này, Tokyo đã phản đối qua đường ngoại giao, nhưng Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận gì. Ba tháng đầu năm 2014, Nhật Bản đã 415 lần buộc phải điều máy bay chiến đấu ngăn cản máy bay TQ xâm phạm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý.

Tàu TQ cắt mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Trong khi vẫn “duy trì” căng thẳng với Tokyo ở Biển Hoa Đông, Bắc Kinh lại không ngừng có các động thái xâm lấn ở Biển Đông nhắm vào các nước láng giềng Philippines và Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times (Anh) ngày 26/5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo, Bắc Kinh có thể lặp lại chiến thuật đưa giàn khoan vào vùng biển đang tranh chấp, lần này là nhắm đến vùng biển của Philippines, như đã đưa trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tổng thống Aquino nhận định, TQ đang chơi “một trò chơi nguy hiểm” và “chính sách ngoại giao pháo hạm” của Bắc Kinh đang vượt ngoài tầm kiểm soát.

Sự lo ngại của Manila không hề vô lý, khi ngày 27/5, Công ty dịch vụ dầu mỏ TQ (COSL), cơ quan điều hành giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tuyên bố giàn khoan này đã hoàn thành giai đoạn khoan đầu tiên và di chuyển đến địa điểm khác trong khu vực. Một lần nữa, Tổng thống Aquino kêu gọi 10 nước thành viên ASEAN, trong đó có một số nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với TQ, cần có “tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng” về cách thức giải quyết tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bắc Kinh từ trước đến nay chủ trương giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp biển đảo trong khu vực. Ý đồ của TQ được các nước liên quan giải mã là hành động “bẻ đũa từng chiếc”. Dã tâm này bộc lộ rõ tư tưởng bành trướng, trịch thượng trong quan hệ với các nước nhỏ và là quan điểm “nhất quán” của Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp, xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông, cũng như ở Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực không ai còn đứng bên ngoài các căng thẳng do TQ châm ngòi, thay vào đó, họ đã xích lại gần nhau sau khi nhìn rõ hiểm họa chung.

THIỆN ĐẠO (Theo Kyodo, Financial Times, Reuters)

www.phunuonline.com.vn

Nhật Bản, Philippines, dã tâm, bành trướng, Trung Quốc, Hoa Đông, Biển Đông, giàn khoan Haiyang Shiyou-981


© 2021 FAP
  406,615       3/634