24h qua - Thế giới

ASEAN sát cánh đương đầu với hiểm họa chung

PN - Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 diễn ra tại Philippines đang thu hút sự chú ý của quốc tế, vì trọng tâm của sự kiện này là hướng đến sự ra mắt vào năm 2015 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN,

Hợp tác để bảo vệ nhau

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi và ngài Tổng thống Aquino vừa có buổi hội đàm rất thực chất và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau”. Tổng thống Aquino xác nhận: “Tôi tin tưởng việc tiếp tục hợp tác với Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN khác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, không những thúc đẩy hơn nữa sự ổn định khu vực mà còn tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng của hai nước”. Tổng thống Aquino khẳng định, hai nước đang đối mặt với thách thức chung với tư cách là quốc gia biển và thành viên của ASEAN; việc tăng cường hợp tác giữa Philippines và Việt Nam “cho phép chúng ta bảo vệ tốt hơn các nguồn lợi thủy sản của mình”.

“Hợp tác để bảo vệ nhau”, một tờ báo đã giật tít như vậy về những động thái quốc tế ở Manila. Tuy nhiên, bản chất sự việc ở đây rộng hơn, nó ghi nhận sự đoàn kết sát cánh một cách tích cực và cụ thể của hai trong ba nước ASEAN đông dân nhất trong việc cùng giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông.

Việc các nước bắt tay nhau đối phó với người hàng xóm “to xác” và “chơi xấu” là một cách ứng xử phù hợp với thế và lực trong tương quan lực lượng tại Biển Đông. Xu thế này được Washington ủng hộ, thông qua tuyên bố mới đây của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel.

Ông Russel cho biết, chính phủ Mỹ đã đề xuất khoản ngân sách 1,2 tỷ USD dành cho các hoạt động tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2015, bao gồm hơn 800 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ nước ngoài. Mỹ sẽ cung cấp 18 triệu USD để tăng cường năng lực của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, ứng phó thảm họa và các hoạt động khác.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines  Benigno S. Aquino sau khi kết thúc hội đàm - Ảnh: TTXVN

Cộng đồng trách nhiệm

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phản bác quan điểm TQ đưa ra để biện minh cho việc leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Ông Natalegawa nói, Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương, nhưng căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và TQ đã liên quan đến toàn khu vực, vì vậy, ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại giải quyết tình hình. Ông cũng khẳng định TQ vi phạm Tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cho biết, Indonesia sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết căng thẳng trên Biển Đông sau sự cố giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981). Điều này cho thấy, Indonesia không đơn thuần giữ vai trò trung lập trước hiểm họa chung đang đe dọa khu vực.

Tương tự, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhìn nhận, Biển Đông là một trong những vấn đề giữa TQ và ASEAN. Ông khẳng định, ASEAN cần can dự vào vấn đề Biển Đông và cố gắng hết sức để vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa ASEAN và TQ.

Malaysia là một trong các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với TQ. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố, nước này sẽ hỗ trợ cho Malaysia xây dựng và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường các cuộc trao đổi giữa cảnh sát biển và giới chức quốc phòng hai bên.

Một ASEAN bắt đầu trỗi dậy, khẳng định chủ quyền của mỗi quốc gia cũng như bảo vệ lợi ích của khối, là nền tảng để đương đầu với hiểm họa chung TQ.

 THIỆN ĐẠO (Theo AFP, Reuters, Kyodo, TTXVN)

THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG:

Không đánh đổi điều thiêng liêng để nhận lấy một thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc

Trả lời phỏng vấn của AP và Reuters tại Manila, ngày 21/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”.

www.phunuonline.com.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEAN, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Biển Đông, đoàn kết


© 2021 FAP
  406,777       6/644