Thế giới

Mỹ: Vết dầu loang nhức nhối dịp Lễ Tạ ơn

PN - Tháng 8/2014, thị trấn Ferguson, bang Missouri (Mỹ) và một số khu vực tập trung nhiều người da màu đã chìm trong các cuộc biểu tình vì phẫn nộ trước cái chết của thanh niên da màu Michael Brown.

Cái chết của Michael Brown tạo vết dầu loang ngoài ý muốn về vấn đề phân biệt đối xử, đẩy tình hình an ninh ở nhiều nơi lên mức căng thẳng. Mới đây, ở thành phố Cleveland, bang Ohio, người biểu tình lại tràn xuống đường để phản đối vụ một cậu bé người da màu 12 tuổi bị bắn chết ngày 24/11, do cảnh sát tưởng nhầm khẩu súng giả cậu bé cầm là… súng thật.

Thống đốc bang Missouri, ông Jay Nixon đã triển khai 2.200 vệ binh khắp thị trấn Ferguson. Lực lượng này buộc phải dùng hơi cay để trấn áp đám đông biểu tình quá khích. Dòng người biểu tình không chỉ tràn ngập các con phố ở thị trấn Ferguson mà lan rộng sang 170 thành phố khác, trong đó có các thành phố lớn như Boston, New York, Los Angeles, Dallas, Atlanta… Đến ngày 27/11, lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ đã bắt giữ 400 người quá khích trong các cuộc biểu tình này.

Nhiều cửa hiệu bị người biểu tình phá hủy nghiêm trọng. Chưa bao giờ ở Ferguson xảy ra tình trạng bạo lực tồi tệ đến thế. Nước Mỹ đang trải qua một kỳ Lễ Tạ ơn nhuốm buồn vì vết dầu loang mang tên Ferguson. Dù vậy, người dân Ferguson vẫn mong muốn tận hưởng dịp lễ đặc biệt này sao cho thật ý nghĩa.

Người biểu tình ôn hòa mong muốn bình yên trở lại thị trấn Ferguson
Ảnh: stlamerican.com

Ở Mỹ hiện có hai luồng ý kiến trái chiều liên quan đến nguyên nhân Michael bị bắn chết và tình huống cụ thể khi vụ việc xảy ra. Một phía bênh vực Wilson, cho rằng quá trình điều tra đã chứng minh được anh hoàn toàn thực hiện đúng trình tự và bị Michael lao vào tấn công nên buộc phải nổ súng. Phía còn lại cho rằng việc Wilson bắn sáu phát súng để giết Michael trong lúc người này đã đầu hàng là vô cùng dã man. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC, viên cảnh sát Darren Wilson vẫn một mực khẳng định mình đã làm đúng nhiệm vụ và cho rằng lời khai của các nhân chứng nói Michael có giơ tay đầu hàng là sai sự thật. Wilson cho biết, nếu quay ngược thời gian, anh sẽ không thay đổi hành động của mình dù Michael là người da màu hay da trắng.

Tuy nhiên, điều mà Wilson lo sợ lúc này là sự tức giận khó kiểm soát của những công dân da màu có thể đe dọa tính mạng của anh. Có thể Wilson không trở lại nhà mình vì địa chỉ của anh đã được công bố rộng rãi và anh phải từ bỏ công việc ở sở cảnh sát Ferguson để giữ an toàn tính mạng.

Từ nhiều thập niên qua, giữa lực lượng cảnh sát và những người da màu sống ở Mỹ luôn tồn tại mâu thuẫn khó xóa nhòa. Chính Tổng thống Obama ngày 26/11 phải thừa nhận điều này và lên tiếng xoa dịu dư luận rằng: “Sự bất bình với quyết định của bồi thẩm đoàn có căn nguyên sâu xa trong các cộng đồng da màu vốn từ nhiều thập niên qua có suy nghĩ rằng hệ thống pháp luật và lực lượng thực thi pháp luật ở Mỹ không công bằng với họ”. Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân bình tĩnh và kiềm chế, biểu tình hòa bình, không sử dụng bạo lực bởi điều này là trái pháp luật. Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề quan hệ sắc tộc ở cấp độ quốc gia.

Theo một nghiên cứu của USA Today thì ít nhất 70 sở cảnh sát ở Mỹ có khuynh hướng bắt người da màu nhiều gấp 10 lần người da trắng. Trong khi đó, tổ chức Propublica dẫn số liệu phân tích cho thấy, tỷ lệ cảnh sát bắn chết người da màu (từ 15-19 tuổi) cao gấp 21 lần đối tượng là người da trắng.

THIÊN ANH (Theo Reuters, NPR, USA Today)

www.phunuonline.com.vn

Michael Brown, Missouri, St Louis, Ferguson, cảnh sát bắn người, da đen, sắc tộc, Darren Wilson


© 2021 FAP
  643,932       1/1,048