Thế giới

Để 'giữ chân' các bà mẹ đi làm

PN - Nhà báo tự do Antonia Hoyle nhớ mãi buổi sáng ấy, khi con gái bị sốt. Cô biết rằng cần phải cho con nghỉ học, nhưng như thế đồng nghĩa với việc cô cũng ở nhà trông nom bé.

  Trong khi đó, cái hẹn phỏng vấn với một nữ diễn viên nổi tiếng không thể hủy bỏ. Thế là Antonia đành ủ kín con trong nhiều lớp áo quần giữ ấm và đưa con đến trường rồi “ba chân, bốn cẳng” đến nơi hẹn phỏng vấn.

Các bà mẹ đi làm thường muốn chứng tỏ họ có thể vừa chăm con nhỏ, vừa là nhân viên giỏi nhất - Ảnh: womenonthefence.com

Nhưng vì tâm trí mải nghĩ đến con, cô đi lạc và trễ hẹn... 30 phút. May sao, nữ diễn viên cũng là một người mẹ nên hoàn toàn thông cảm. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn liên tục bị ngắt đoạn bởi chuông điện thoại đổ liên hồi. Không cần nhìn, Antonia cũng biết là nhà trường đang gọi để thông báo tình hình của con gái mình.

Antonia không phải là người phụ nữ duy nhất có hoàn cảnh như thế. Báo cáo mới nhất cho thấy, ngày càng nhiều phụ nữ đi làm bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn: họ cảm thấy không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ vì bỏ con đi làm, nhưng họ cũng không là nhân viên mẫn cán vì bận bịu việc gia đình.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các bà mẹ đi làm dành 25% thời gian không ngủ của mình để lo lắng - nhiều hơn nam giới 5 giờ mỗi tuần. “Điều này phản ánh gánh nặng nhân đôi, họ bị áp lực vừa trở thành “mẹ hiền”, vừa là “nhân viên giỏi” - Shira Offer, thành viên thực hiện báo cáo trên nhìn nhận. Chưa kể, áp lực vô hình mang tên “nữ quyền” khiến phụ nữ thường ít thừa nhận, có lúc họ không kham nổi gánh nặng nhân đôi này.

Tiến sĩ Elle Boag, nhà tâm lý xã hội học của trường đại học Birmingham nhận định: “Các bà mẹ đi làm thường muốn chứng tỏ họ có thể đảm nhiệm cả hai chức năng, vừa chăm con nhỏ, vừa là nhân viên giỏi nhất. Dĩ nhiên, áp lực đến từ xã hội và truyền thông, nhưng đa phần xuất phát từ chính những người mẹ này”.

Antonia cũng như phần lớn các bà mẹ đi làm khác đều cảm thấy họ không có “nút tắt” cho bộ não để chuyển hệ từ chức năng này sang chức năng kia. Khi bài viết chuẩn bị đăng vào lúc 6g chiều, cũng là lúc cô vật lộn với hai con nhỏ trong phòng tắm. Anne-Marie, nhà tư vấn quản lý và mẹ của hai con nhỏ chia sẻ: “Thiếu ngủ và nhảy cóc giữa hai công việc làm tôi mất tập trung, ảnh hưởng không ít đến năng suất làm việc”.

Cân bằng giữa sự nghiệp và con cái là vấn đề muôn thuở của những phụ nữ có con và vẫn đi làm - Ảnh: CNN

Antonia hy vọng khi con cái lớn hơn một chút, cô sẽ dễ dàng cân bằng giữa hai vai trò, nhưng thực tế không hề đơn giản. Trong khi đó, chồng của Antonia, Chris, nhà tư vấn tài chính lại không cảm thấy nhiều áp lực như cô, bởi anh quan niệm Antonia là người chăm con từ 7g đến 19g. Anh có thể đi nước ngoài họp mà không lo lắng gì cả. Dù biết chồng là một người cha tốt, nhưng đôi khi Antonia không khỏi so sánh mức độ quan trọng trong công việc của hai người, và thấy mình thiệt thòi.

Anna Rasmussen, tác giả cuộc khảo sát có tên gọi Keeping Women in Report (Để giữ chân phụ nữ) nhận thấy câu nói “hãy cân bằng giữa công việc và cuộc sống” là một cụm từ rất nhàm chán, có phần gây áp lực lên phụ nữ. Thay vào đó, cô bắt đầu làm cho chúng “hòa quyện” vào nhau và kết quả tăng lên rõ rệt.

Anna thực hiện cuộc khảo sát đối với 250 phụ nữ vừa làm mẹ vừa đi làm mang lại nhiều nước mắt và nụ cười. Nhiều người thú nhận đây là cơ hội hiếm hoi để họ nhìn lại sự thỏa mãn trong cuộc đời cũng như sự thăng tiến nghề nghiệp, và nhận biết mức độ mình kết nối giữa hai vấn đề. “Những bà mẹ có chức vụ dù thấp hay cao đều có chung nguyện vọng là tìm ra giải pháp hòa hợp giữa gia đình và công việc để họ có thể hoàn thiện cơ hội nghề nghiệp của mình” - Anna Rasmussen cho biết. Theo Anna, giải pháp này phải đến từ các nhà lãnh đạo, và cô xác quyết rằng, dù với giải pháp nào thì điều đầu tiên lãnh đạo cần thấu hiểu, với các bà mẹ, con cái là quan trọng nhất.

 PHAN QUỲNH DAO

(Theo Telegraph)

www.phunuonline.com.vn

Antonia Hoyle, phụ nữ, kết hôn, sinh con, sự nghiệp


© 2021 FAP
  644,256       1/1,017