Thế giới

Nghệ thuật ươm mầm sống

PNCN - Ở những nơi bạo lực không ngừng bủa vây hay điều kiện sống tận đáy xã hội, con người vẫn luôn khao khát tận hưởng những điều đẹp đẽ.

Những bài tập nặng không làm nản chí mà còn là động lực để cô bé Ann Khalid (12 tuổi) nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân. Với Ann, mỗi buổi tập là cơ hội để cô bé hoàn thiện kỹ năng múa ballet của mình. Ann mơ sau này trở thành huấn luyện viên múa ballet chuyên nghiệp. Cô bé tâm sự: “Nơi em yêu nhất ở Baghdad là trường học múa và thánh đường. Em được tiếp thêm niềm tin mỗi khi đến đây”. Ngôi trường mà Ann nhắc đến chính là Trường múa ballet và âm nhạc Baghdad, hình thành 47 năm qua là điểm tựa tinh thần cho biết bao người trẻ Iraq vốn bị ám ảnh trước thực trạng xã hội đầy bạo lực, chết chóc.

Faith Gonsalves

Ngôi trường được ví như “ốc đảo” hồi sinh ở Baghdad, nơi trẻ em từ lứa tuổi mẫu giáo đến trung học đều thỏa sức theo đuổi vẻ đẹp của nghệ thuật múa ballet. Hiệu trưởng Ahmad Salim Ghani cho biết: “Chẳng nơi nào ở Baghdad mà một đứa trẻ có thể bỏ lại phía sau mọi lo âu, sợ hãi để đắm chìm trong những bản nhạc và điệu múa tuyệt vời. Ở đây, trẻ em được sống đúng với lứa tuổi, hưởng thụ những điều thuộc về các em”. Không như những ngôi trường thông thường ở Iraq, Trường múa ballet và âm nhạc Baghdad để cho nam, nữ cùng tập luyện mà không bị phân biệt giới tính như xã hội bên ngoài.

Hiện trường có khoảng 500 học viên. Ở thời điểm khủng hoảng, chiến tranh, nạn bắt cóc xảy ra liên tục, phụ huynh chẳng dám cho con đến trường, số học viên có khi chưa đến 100. Trường phải tháo những tấm biển quảng bá để tránh sự chú ý của các bên. Học viên giấu nhạc cụ và trang phục tập múa để tránh những ánh mắt tò mò. Khi trường mới thành lập, tất cả giáo viên đều là người Nga. Về sau, vì sự an toàn, các giáo viên Nga không trở lại đây nữa. Hiện chỉ có người bản địa truyền lửa cho thế hệ sau. Leezan Salam (18 tuổi), cô gái vừa hoàn thành chương trình múa ballet tâm sự: “Tôi cố gắng theo đuổi nghề múa và tiếp nối các thế hệ trước để giữ gìn món ăn tinh thần cho trẻ em Iraq. Tôi muốn các em dù sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã vẫn có đam mê riêng. Cuộc sống sẽ đẹp hơn, thay vì chỉ có nỗi sợ hãi”.

Lớp học nhạc tại các khu ở chuột Ấn Độ do Faith Gonsalves khởi xướng

Nếu ở Iraq, nghệ thuật cứu rỗi tâm hồn những đứa trẻ còn khắc khoải vì bóng đen chiến tranh thì ở Ấn Độ, trẻ em sống trong các khu ổ chuột được ánh sáng âm nhạc dẫn đường. Người thực hiện sứ mệnh kết nối này là Faith Gonsalves. Hàng ngày, cô gái trẻ tuổi đi khắp các khu ổ chuột ở New Delhi, nơi có những đứa trẻ háo hức chờ đợi được học nhạc. Đây là lớp học tạm cô lập ra, thuộc dự án “Music Basti” cũng do cô thành lập năm 2008, nhằm đem âm nhạc đến trẻ em nghèo khó (như trẻ mồ côi, trẻ bị bạo hành, trẻ ăn xin, trẻ phải mưu sinh sớm).

Hiện 300 triệu người Ấn Độ (chiếm 1/4 dân số quốc gia) đang sống dưới mức 1,25 USD/ngày. Faith Gonsalves nói: “Âm nhạc là cách hiệu quả nhất để giao tiếp và kết nối trẻ em có hoàn cảnh khác nhau đến gần nhau hơn. Tình yêu âm nhạc ở trẻ cơ nhỡ không thua kém gì trẻ em sống trong gia đình khá giả. Thậm chí, tình yêu ấy còn cháy bỏng hơn vì các em xem đó là khao khát, đam mê duy nhất giúp mình vượt qua thực tế nghiệt ngã”.

Ở Trường múa ballet và âm nhạc Baghdad - ảnh: AP

Sáu năm qua kể từ khi bắt tay vào dự án, Faith Gonsalves đã trực tiếp gắn kết với 600 trẻ. Không chỉ truyền đạt kiến thức âm nhạc, cô còn dạy các em kỹ năng sống. Faith Gonsalves cũng kết hợp dạy toán với nhịp điệu nhạc, ngôn ngữ với khả năng hát để các em không chỉ biết về âm nhạc mà còn thực hành nhuần nhuyễn những kiến thức khác.

Cộng tác cùng Faith Gonsalves trong dự án này có khoảng 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ. Cô nói: “Thay đổi tích cực nhất mà tôi thấy được ở các em là sự tự tin. Các em dám nói lên mơ ước của mình. Tôi mong đó sẽ là bệ phóng cho các em vào đời”.

 THIÊN ANH (Theo CNN, Guardian, AP)

www.phunuonline.com.vn

Iraq, Baghdad, ballet, Faith Gonsalves, trẻ em, ổ chuột, Án Độ


© 2021 FAP
  643,954       2/1,035