PN - Nữ y tá gốc Việt Nina Pham, 26 tuổi (ảnh), sống ở thành phố Fort Worth, bang Texas vừa được giới chức y tế Mỹ xác nhận là bệnh nhân đầu tiên bị lây nhiễm Ebola ở Mỹ.
Hiện Nina Pham đang được cách ly để điều trị. Ông Jim Khoi, bố của Nina cho biết, tinh thần của Nina rất tốt và cô thường xuyên dùng Skype để liên lạc với gia đình. Trong khu vực cách ly, Nina vẫn tiếp tục trao đổi với đồng nghiệp về cách thức chăm sóc cho mình để đảm bảo an toàn tối đa cho các y tá khác.
Y tá Jennifer Joseph, đồng nghiệp của Nina cho biết: “Cô ấy tràn đầy hy vọng và chúng tôi mong truyền thông đừng gây áp lực lên cô ấy”. Jennifer cho biết, làm việc cùng Nina, cô đã học được rất nhiều điều từ bạn mình, bao gồm kiến thức, kỹ năng đến tinh thần trách nhiệm. Nina thường dặn Jennifer, khi chăm sóc bất cứ bệnh nhân nào, hãy hỏi bản thân rằng: “Mình phải làm thế nào nếu đây là bố, mẹ hay ông bà của mình?”. Jennifer nói: “Trong lòng tôi, Nina là nữ anh hùng, dám làm những điều mà không phải ai cũng chấp nhận dấn thân”.
Khi vừa có dấu hiệu sốt nhẹ, Nina đã chủ động đến trung tâm y tế gần nhất để khám bệnh. Cô được xác nhận nhiễm Ebola sau đó. Hiện Nina đã được bác sĩ Kent Brantly, bệnh nhân hiếm hoi sống sót sau dịch Ebola, hiến máu, truyền huyết tương để giúp cô có thêm kháng thể chống dịch bệnh này. Trước đó, bác sĩ Kent Brantly đã tiếp nhận phương pháp điều trị thử nghiệm Ebola có tên là Zmapp, được nghiên cứu và sản xuất tại Công ty Mapp Biopharmaceutical và LeafBio ở San Diego, Mỹ. Khi hay tin Nina đối mặt với dịch bệnh Ebola, bác sĩ Kent Brantly đã nhanh chóng bay đến Texas để hỗ trợ. Bác sĩ Brantly bị nhiễm Ebola hồi tháng Bảy vừa qua khi tham gia hỗ trợ y tế ở Liberia. Sau khi thoát khỏi dịch bệnh này, ông cũng đã hiến máu để cứu bác sĩ Rick Sacra (một đồng nghiệp khác cũng nhiễm bệnh) và phóng viên tự do, người phụ trách quay phim cho NBC News là Ashoka Mukpo.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden cho biết, hiện Nina đang trong tình trạng ổn định. Ông Tom Frieden cũng đã lên tiếng xin lỗi vì đã “quá lời” khi cho rằng việc Nina bị lây nhiễm Ebola là do “lỗ hổng” trong quy trình chữa trị. Giám đốc CDC đã động viên Nina và gia đình cô: “Cô ấy là nữ y tá dũng cảm vì đã tình nguyện, tận tâm chăm sóc bệnh nhân dù biết có thể đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình”. Đồng nghiệp của Nina xác nhận rằng cô là một y tá rất cẩn trọng, thường xuyên kiểm tra kỹ lưỡng mọi thao tác trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng liệu khẩu trang, găng tay cùng những hỗ trợ y tế khác có thể đảm bảo cho các nhân viên y tế đối phó với dịch Ebola hay không.
THIÊN ANH (USA Today, NBC News, Dallas Morning News)
Ebola, nữ y tá gốc Việt, Nina Pham