PNO - Tại quê hương của người đoạt giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai, các học sinh Trường nữ trung học Mingora của chính phủ ngồi khoanh chân trên các bao tải và tờ giấy trải trên sàn do thiếu bàn ghế.
Malala Yousafzai nhà hoạt động nữ quyền được trao giải Nobel Hòa bình năm 2014 - Ảnh: Reuters
Các cửa sổ vỡ kính, các bức tường lem luốc, và các giáo viên cáu bẳn. Sự giận dữ của họ không nhắm vào Malala, mà vào thế giới bao bọc cô trong vòng vinh quang trong khi phớt lờ tình trạng bạo lực và bị bỏ rơi của quê nhà cô là Thung lũng Swat.
"Lúc nào cũng Malala, Malala, Malala”, giáo viên toán Saima Khan phàn nàn. "Có hàng trăm người đã hy sinh tất cả và mất đi mọi thứ, nhưng có ai cho họ cái gì đâu”.
Tại buổi lễ ăn mừng sự kiện Malala được giải thưởng Nobel Hòa bình hôm 11/10, các chính khách mang theo áp phích của Malala tranh giành chỗ đứng với các nhà hoạt động dân quyền trước khi diễu hành đến câu lạc bộ báo chí dọc theo những con phố đầy ổ gà và rác rưởi. Trong khi đó, người dân đầy ngờ vực, họ nói ngay cả khi các nhà lãnh đạo tán dương Malala, họ vẫn bỏ bê các ngôi trường tại quê hương cô đổ nát dưới sự chiếm cứ lâu dài của quân đội.
"Điều này rõ ràng làm cho người dân không vui. Nếu chính phủ làm tốt công việc của mình, người dân sẽ bớt cảm thấy bị bỏ rơi, và không có lý do gì để ghét bỏ Malala”, thầy giáo Ahmed Shah, nguyên là giáo viên dạy Malala và là bạn của cha em, cho biết. “Người ta cảm thấy Malala thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới, nhưng Thung lũng không được ai quan tâm, ngay cả ở Pakistan”.
Malala Yousafzai là người đoạt giải Nobel trẻ tuổi nhất - Ảnh: CNN
Quân đội Pakistan hiện còn trưng dụng làm doanh trại và căn cứ khoảng 40% các trường học ở Thung lũng Swat. "Để cho cuộc đấu tranh của Malala thành công, xin làm ơn trả lại các trường học cho chúng tôi, nếu không, việc cô bé dũng cảm bị bắn và trải qua tất cả những nhọc nhằn này, sẽ đều là vô ích”, nhân viên y tế địa phương Tariq Khan nói với báo giới.
Người chiến sĩ can trường 17 tuổi, đi tiên phong và đơn độc trong cuộc đấu tranh đòi quyền đến trường của các bé gái ở Pakistan thậm chí đã bị tin đồn gán cho là nhân viên CIA và gia đình cô đã dàn dựng việc cô bị bắn để kiếm lời! Những kẻ xấu miệng khẳng định điều đó khi nói “Malala có tất cả, trong khi Swat không có gì”.
TỐ QUYÊN
(Theo Reuters, AFP)
Malala, Pakistan, Thung lũng Swat, Giải Nobel Hòa bình