Thế giới

Luật bảo vệ sức khỏe cho người “tham công tiếc việc”

PN - Bộ trưởng Lao động Đức Andrea Nahles vừa qua cho biết, các cơ quan chức năng của nước này sẽ xem xét thông qua Luật Giới hạn thời gian nhận thư điện tử (email)...


Luật mới quy định người lao động Pháp không được xem tài liệu liên quan đến công việc sau 18 giờ - Ảnh minh họa: Alamy

Trước đó, hồi tháng Tư, dư luận thế giới đã rất ủng hộ việc Pháp thông qua luật cấm người lao động làm việc sau 18 giờ và họ phải tắt điện thoại thông minh ngay sau đó để tránh tất cả cuộc gọi liên quan đến công việc. Luật mới còn quy định chi tiết rằng, người lao động nước này không được xem tài liệu liên quan đến công việc sau 18 giờ, dù bằng bất cứ phương tiện nào.

Theo luật mới này thì mỗi năm người Pháp chỉ làm việc 218 ngày. Đại diện các liên đoàn lao động và chủ doanh nghiệp ký cam kết, theo đó yêu cầu các chủ doanh nghiệp bảo đảm để nhân viên của họ “ngoài vùng phủ sóng và kết nối” sau giờ làm việc.

Hiệp hội bảo hiểm hưu trí của Đức (DGB) đã thực hiện nghiên cứu cho thấy số lao động Đức nghỉ hưu sớm vì quá căng thẳng ngày càng tăng, trong đó áp lực phải liên tục duy trì liên lạc để trao đổi công việc với cấp trên và đồng nghiệp là nguyên nhân chính. Tờ Bild của Đức cũng có bài viết dẫn số liệu thống kê rằng, có đến 1/5 lao động ở Đức phải trao đổi công việc với sếp trong thời gian lẽ ra họ phải dành cho gia đình hoặc nghỉ ngơi. Giáo sư tâm lý học người Đức Clemens Kirschbaum tại Đại học kỹ thuật Dresden nói: “Nếu dốc hết sức để làm việc mà không cho cơ thể được giải lao, người lao động khó có được sức khỏe ổn định”.

Tiến sĩ Cristina Quinones-Garcia (Đại học Thương mại Northampton, Anh) và Giáo sư Nada Kakabadse chuyên về chính sách công (Đại học Thương mại Henley, Anh) trong một nghiên cứu đã chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực của tình trạng “nghiện công việc”. Theo đó, các cá nhân luôn đắm mình trong công việc thường có tỷ lệ thăng tiến cao, nhưng đồng thời họ cũng mang bên mình những rủi ro về sức khỏe, nhất là áp lực căng thẳng ảnh hưởng đến trí óc. Tiến sĩ Kakabadse nói: “Trong số 516 người trong độ tuổi 18-65 được khảo sát, nhiều người không thoát khỏi công việc dù đã về nhà và ngay cả khi trên giường ngủ. Có đêm họ bật dậy ba-bốn lần để kiểm tra tin nhắn, email. Họ luôn trong tinh thần căng thẳng vì chờ đợi những hồi đáp công việc, lo lắng liệu có gì không ổn trong quá trình giải quyết công việc của mình hay không. Vì thế, họ dường như không có thời gian thư giãn để tái tạo sức lao động”.

Từ năm 2011, khi công nghệ di động còn chưa bùng nổ như hiện tại, tổ chức YouGov của Anh đã đưa ra kết quả khảo sát cho thấy, 35% người Anh sở hữu điện thoại thông minh thường xuyên kiểm tra email bất cứ khi nào. Điều này ảnh hưởng đến bạn đời của họ hoặc những người thân khác hay bất cứ ai ở xung quanh.

THIÊN ANH (Theo Rheinische Post, Guardian, Daily Mail)

www.phunuonline.com.vn

Đức, Pháp. luật bảo vệ, làm việc ngoài giờ


© 2021 FAP
  646,917       4/1,008