PN - Trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố, có 27 gương mặt lần đầu tiên xuất hiện, trong đó có ba phụ nữ.
Elizabeth Holmes - Business Insider
Năm 19 tuổi, Elizabeth bỏ dở năm hai ngành hóa học đại học danh tiếng Stanford để sáng lập công ty xét nghiệm Theranos. Chỉ với số tiền dành dụm để trang trải cho việc học, Elizabeth Holmes đã gầy dựng Theranos có giá trị lên đến chín tỷ USD trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Trong đó, cô nắm 50% cổ phần, khoảng 4,5 tỷ USD.
Ban đầu, Elizabeth mày mò làm hàng loạt thí nghiệm. Sau đó không lâu, cô quyết định thành lập công ty riêng. Cô luôn tự hỏi tại sao phải mất quá nhiều máu, quá nhiều thời gian và quá nhiều nỗi sợ hãi cho những xét nghiệm. Những câu hỏi là động lực lớn nhất để cô quyết tâm tìm cho bằng được cách thử máu đơn giản nhất có thể. Với hơn 18 bằng sáng chế độc quyền đăng ký ở Mỹ và 66 bằng ở các quốc gia khác, Elizabeth Holmes và Công ty Theranos đã sở hữu phương pháp xét nghiệm máu chỉ bằng cây kim châm cùng vài giọt máu. Ba điểm đặc trưng của phương pháp xét nghiệm máu mà Elizabeth Holmes phát minh thành công là: chất lượng, rẻ và nhanh. Công ty Theranos có thể thực hiện được 200 loại xét nghiệm và được cấp phép hoạt động khắp nước Mỹ.
Abigail Johnson - Ảnh: Forbes
Góp mặt trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes một lần nữa là cái tên Abigail Johnson (53 tuổi - ảnh), ở vị trí thứ 36, với khối tài sản 13,3 tỷ USD. Ít được truyền thông nhắc đến vì bà Johnson không mặn mà “xuất đầu, lộ diện”. Abigail Johnson, người được mệnh danh là phụ nữ quyền lực nhất trong giới tài chính Mỹ, luôn tự nhắc nhở bản thân và đồng nghiệp cấp dưới: “Dù bạn có chuyên nghiệp đến đâu, ở vị trí cao thế nào thì cũng phải nhớ rằng công việc chưa bao giờ xong. Thế giới liên tục thay đổi, khách hàng luôn mong đợi chúng ta phục vụ tốt hơn. Đối thủ vẫn cố gắng tăng tốc để đuổi theo. Đừng bao giờ lỡ nhịp”. Nhắc đến Abigail Johnson, ít ai nhắc đến thân thế là thế hệ thứ ba phát triển công ty Fidelity của gia đình bởi thành công của bà không đến từ lợi thế này mà phần lớn do nỗ lực, sự lăn xả đến mức khắt khe với bản thân. Chính sự nghiêm khắc đó đã đưa bà từ một nhân viên cấp thấp đến chức Chủ tịch bộ phận Dịch vụ tài chính của Công ty bảo hiểm-tài chính Fidelity ngày nay.
Laurene Powell Jobs - Ảnh: Forbes
Một nữ tỷ phú khác dần chiếm được sự ưu ái của giới truyền thông là Laurene Powell Jobs (51 tuổi - ảnh), phu nhân của Steve Jobs, “linh hồn” của thương hiệu Apple. Sau khi chồng qua đời năm 2011, bà xuất hiện thường xuyên hơn để quảng bá cho các hoạt động cộng đồng và trở thành nhân vật tạo được nhiều ảnh hưởng trong giới chính trị lẫn xã hội. Trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là tổ chức Emerson Collective do bà sáng lập. Tổ chức này tận dụng các mối quan hệ doanh nghiệp để hỗ trợ các dự án cải cách xã hội và sinh viên tài năng. Bà Laurene Powell Jobs cũng là người thành lập trường College Track, nơi chắp cánh ước mơ được học tập, nghiên cứu của những bạn trẻ thiếu điều kiện. Đây không phải là lối rẽ mới của Laurene Powell Jobs sau khi Steve Jobs qua đời mà từ năm 1997, bà cùng những người bạn của mình đã tích cực tham gia các dự án tương tự. Hiện Powell Jobs là một trong những nhà tài trợ chính cho chiến dịch Ready for Hillary, ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chạy đua vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng năm 2016. Bà hiện xếp thứ 28 trong Forbes 400 và là nữ tỷ phú giàu thứ tư ở Mỹ với số tài sản trị giá 16,6 tỷ USD.
THIÊN ANH
(Theo Forbes, Business Insider)
Elizabeth Holmes, Stanford, Forbes 400, Laurene Powell Jobs, Apple, Abigail Johnson, nữ tỷ phú