Thế giới

Tình yêu thăng hoa cùng khoa học

PN - Giải Nobel Y sinh năm nay, trị giá 1,1 triệu USD, được chia đôi cho nhà khoa học mang hai quốc tịch Anh - Mỹ John O’Keefe (SN 1939) và cặp vợ chồng người Na Uy May-Britt Moser (SN 1963),

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Y sinh, từ trái qua là Edvard Moser, John O'Keefe, May-Britt Moser - Ảnh: BBC

Phát hiện này giải thích được vì sao chúng ta nhớ những nơi mình đã đi qua, các con vật (như chó) dù bị bỏ rơi cả chục cây số vẫn có thể tìm đường về nhà, cũng như tại sao bệnh nhân Alzheimer mất phương hướng, không thể nhận biết môi trường xung quanh. Từ đó, mở ra hy vọng về điều trị chứng mất trí Alzheimer. Theo Hội đồng trao giải Nobel, phát hiện mới của ba nhà khoa học John O’Keefe, May-Britt Moser, Edvard Moser đã giải quyết được vấn đề mà cả các triết gia lẫn các nhà khoa học chưa lý giải được trong nhiều thế kỷ qua.

Đây là lần thứ năm trong lịch sử có một cặp vợ chồng nhận giải thưởng danh giá này và là lần thứ tư hai vợ chồng cùng chia sẻ giải thưởng cho một công trình chung. Vợ chồng nhà Moser được ví von là cặp Marie Curie của Na Uy.

Khi tin vui đến với nhà Moser thì hai vợ chồng đang cách xa nhau hàng trăm km. Ông Edvard đang trên đường bay đến Đức công tác. Vừa đáp xuống sân bay, ông nhận được hàng chục cuộc điện thoại chúc mừng từ đồng nghiệp và vợ mình. Ông kể: “Tôi chưa bao giờ nhận điện thoại mà lòng lâng lâng như thế”. Còn bà May-Britt thì xúc động và bất ngờ đến nỗi khóa cửa phòng làm việc, bật khóc vì hạnh phúc sau khi nhận được cuộc gọi báo tin từ Viện Nobel ở Stockholm (Thụy Điển).

Vợ chồng nhà Moser - Ảnh: NDTV

Con đường dẫn đến lý thuyết về hệ thống định vị trong não bộ con người giúp hai nhà khoa học May-Britt Moser và Edvard Moser nhận giải Nobel đánh dấu sự thăng hoa cả trong khoa học lẫn cuộc sống. Bà May-Britt tốt nghiệp ngành tâm lý ở Đại học (ĐH) Oslo (Na Uy). Năm 1995, bà đạt học vị tiến sĩ bệnh học thần kinh và nghiên cứu sau tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của giáo sư O’Keefe ở ĐH London (Anh), người cùng chia sẻ giải Nobel với vợ chồng bà năm nay. Năm 1996, chỉ một năm sau khi đạt tiến sĩ, bà trở lại Na Uy thì được bổ nhiệm Phó giáo sư, đây được xem là sự thăng tiến “chóng mặt” trong giới chuyên môn. Đến năm 2000, ở tuổi 37, bà nhận danh hiệu Giáo sư. Sự nghiệp ngày càng rực rỡ của bà May-Britt không thể thiếu sự gắn bó “đồng vợ, đồng chồng” của người bạn đời, cũng là đồng nghiệp thân thiết nhất, ông Edvard Moser - hiện là Giám đốc Viện Kavli chuyên về khoa học thần kinh thuộc ĐH Khoa học và kỹ thuật Na Uy. Đây là một trong những cơ sở nghiên cứu mà ông Edvard cùng vợ mình thành lập vào năm 2007. Trước đó, năm 2002, vợ chồng Moser đã lập ra Trung tâm Sinh học của ký ức, cũng thuộc ĐH Khoa học và kỹ thuật Na Uy.

Ngoài đam mê ngành khoa học thần kinh và tâm lý học, vợ chồng nhà Moser còn có một điểm chung thú vị là xuất thân từ những gia đình ở vùng quê hẻo lánh của Na Uy. Họ học phổ thông cùng trường nhưng chẳng hề biết nhau. Họ cùng chọn theo học tại ĐH Oslo nhưng mãi đến năm cuối cùng mới tìm được nhau qua tình yêu sét đánh. Hôn lễ của “cặp đôi hoàn hảo” này được tổ chức chỉ vài tháng sau khi họ yêu nhau - nhanh đến mức họ còn chưa kịp tốt nghiệp ĐH. Sau đó, họ cùng chí hướng theo đuổi đam mê với khoa học. Hiện vợ chồng nhà Moser đều là giáo sư của ĐH Khoa học và kỹ thuật Na Uy.

"Đồng vợ, đồng chồng", Edvard và May-Britt Moser cùng nhau thăng hoa cả trong tình yêu lẫn khoa học - Ảnh: news.com.au

Chia sẻ về mối quan hệ đồng nghiệp đan xen cuộc sống gia đình, bà May-Britt cho biết: “Chúng tôi có thể trao đổi về những nghiên cứu bất cứ lúc nào. Vừa là vợ chồng, vừa là đồng nghiệp cùng nhóm làm việc, chúng tôi có thể thảo luận với nhau ngay khi có một ý tưởng nào đó vụt qua mà không cần lên lịch cho những cuộc họp”. Tình yêu khoa học không chỉ thấm đẫm trong cuộc sống của vợ chồng Moser mà còn truyền lửa cho hai cô con gái. Con gái đầu lòng Isabel (23 tuổi) đang theo học ngành y ở ĐH Khoa học và kỹ thuật Na Uy, còn cô con út 19 tuổi đang học ngành hóa học.

THIÊN ANH (Theo NDTV, New York Times)

www.phunuonline.com.vn

Nobel, Nobel Y sinh, não, hệ thống định vị, định hướng, Alzheimer, John O'Keefe, Edvard Moser, May-Britt Moser


© 2021 FAP
  404,104       1/790