Thế giới

WHO bị chỉ trích gay gắt trong trận chiến chống Ebola

PNO - Chủ tịch Tổ chức Bác sĩ không biên giới, bà Joanne Liu, đã cáo buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không hoàn thành sứ mệnh giúp các nước thành viên đối phó với trường hợp y tế khẩn cấp.


TTK LHQ Ban Ki-moon (trái) và Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan tại cuộc họp bàn về chiến lược đối phó với Ebola ngày 1/10 - Ảnh: Reuters

Những ngày Ebola mới bùng phát ở Tây Phi, khi nhân viên cứu trợ và các cơ quan y tế địa phương nỗ lực chiến đấu để khống chế virus giết người, người ta đã không thấy vai trò của WHO.

Mariano Lugli, một y tá người Italia, trong số những người đầu tiên đáp lời kêu gọi của MSF, đã tiếp cận vùng rừng hẻo lánh của Guinea tháng 3/2014, nơi phát hiện ổ dịch Ebola đầu tiên trong năm 2014. Khi dịch bệnh lan đến thủ đô Conakry, Lugli trên cương vị phó giám đốc hiện trường của MSF Thụy Sĩ, đã thiết lập phòng khám Ebola thứ hai ở đó. Ông nhớ lại: "Trong tất cả các cuộc họp tôi đã tham dự, ngay cả ở Conakry, tôi chưa bao giờ thấy đại diện của WHO. Vai trò phối hợp WHO mà nên thực hiện, chúng tôi cũng không thấy”, ông Lugli nói và khẳng định WHO không có phản ứng gì trong ba tuần đầu tiên cũng như sau đó.

Ebola đến nay đã giết chết hơn 3.400 người ở bốn quốc gia Tây Phi (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria) và lan sang Hoa Kỳ, sau khi ca nhiễm virus đầu tiên được phát hiện ở thành phố Dallas, bang Texas ngày 30/9.

Sau một cảnh báo nghiêm trọng từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) rằng virus Ebola có thể lây nhiễm lên đến 1,4 triệu người, nhiều chuyên gia y tế và các chính trị gia đặt câu hỏi làm sao một cuộc khủng hoảng như vậy có thể tuột khỏi tầm kiểm soát. Trong suốt 40 năm qua, Ebola chỉ giết chết 1.500 người (bình quân 37 người một năm), trong các trận bùng phát rải rác ở châu Phi.

Một số nhân viên cứu trợ và các quan chức LHQ đổ lỗi cho sự thiếu lãnh đạo của WHO trong việc ứng phó khẩn cấp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi căn bệnh còn có thể dễ dàng khống chế. Trong nhiều trường hợp, các quan chức WHO thậm chí đã coi nhẹ mối nguy của dịch Ebola.

Đáp lại những lời chỉ trích, các quan chức WHO cho biết tổ chức này đã hoạt động hết công suất bởi hàng loạt các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. WHO đổ lỗi cho hệ thống chăm sóc y tế yếu kém và người dân “bất hợp tác” tại các quốc gia Tây Phi nghèo đói trong vùng dịch. Các quan chức cao cấp của WHO, trong đó có Tổng Giám đốc Margaret Chan, nói rằng vai trò của tổ chức này không phải là điều hành các phòng khám hay các chiến dịch chống Ebola, mà là tư vấn cho các quốc gia cách làm như thế nào.


Nỗ lực quốc tế đang đổ vào Tây Phi để khống chế sự lây lan của Ebola - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, sau khi nhận được yêu cầu trực tiếp từ các nhà lãnh đạo của Guinea, Liberia và Sierra Leone, những quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất bởi Ebola, tuần trước Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã can thiệp để thiết lập một phái bộ đặc biệt của LHQ để phối hợp các nỗ lục quốc tế chống Ebola, về thực chất là tước bỏ vai trò điều phối của WHO. "Tôi hy vọng cuộc khủng hoảng Ebola sẽ trở thành một bước ngoặt đối với WHO, một sự thức tỉnh cần thiết”, ông Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) nói. Ông ví von ngân sách và năng lực ứng phó của WHO “đã rách tả tơi, và nó trở thành một tổ chức thiên về kỹ thuật”.

Cuộc tranh cãi về vai trò của WH diễn ra trong bối cảnh virus tử thần “đã vượt qua ba châu lục trên một chặng đường gần 13.000 km” để từ Liberia đến Mỹ theo chân Thomas Eric Duncan vào ngày 20/9. Trường hợp của Duncan đã được nhà chức trách y tế Hoa Kỳ gióng lên hồi chuông báo động, và thành phố Dallas, nơi ông ta phát bệnh trở thành điểm nóng đầu tiên trong trận chiến chống Ebola ở Mỹ.

THANH HIỀN
(Theo Reuters, AP, AFP)
 

www.phunuonline.com.vn

WHO, Ebola, LHQ, MSF


© 2021 FAP
  404,449       4/798