Thế giới

“Cái chết của bé gái hoàn hảo”

PNO – Trong lúc xu hướng mới khuyến khích các bé gái năng động, độc lập, vươn lên thì hiệu trưởng trường nữ trung học Oxford (Anh) phát động chiến dịch “Cái chết của bé gái hoàn hảo”.

 Trong giai đoạn đi học, thể nào chúng ta cũng phải đối mặt với những “cô bé hoàn hảo” (Little Miss Perfect) – thậm chí chúng ta cũng đã từng là một trong những cô bé ấy. Cô ấy luôn được khen ngợi với bảng điểm tuyệt đối, đồng thời cô luôn cảm thấy lo lắng sẽ bị điểm kém.

Em không nhất thiết phải luôn là người đứng đầu, với bảng điểm giỏi tuyệt đối - Ảnh: Telegraph 

Chính sự lo lắng này đã dẫn đến việc hiệu trưởng Judith Carlisle ở trường nữ trung học Oxford cố gắng mọi cách để học trò của mình không phải có những nỗi lo lắng này. Cô nói sự toàn diện sẽ dẫn đến việc các bé gái luôn có cảm giác lo sợ và không an toàn – nặng nề đến mức chúng có thể ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Vấn đề này xảy ra tại trường của cô nhiều đến nỗi cô quyết định đưa ra chiến dịch “Cái chết của bé gái hoàn hảo”, nhằm hướng dẫn các em có cách học thoải mái hơn.

Theo cô Carlisle, sự toàn diện chỉ diễn ra trong một thời điểm nào đó chứ không phải là một thành tích lâu dài. Nhà trường đã làm nhiều cách để các em không bị áp lực của việc giỏi toàn diện ám ảnh dẫn đến tự đánh giá thấp chính bản thân và không thể học tập tốt. Bởi, những người không cảm thấy hạnh phúc thì không thể học được điều gì cả.

Cô Carlisle cho các em thực hành ngay trong giờ học tiếng Pháp bằng cách viết một bức thư giã biệt “cô nàng giỏi toàn diện”. Trong giờ hóa học, nếu những thí nghiệm vẫn chưa ra phản ứng cần thiết, khẩu hiệu cho các em là: chúng ta không nhất thiết phải làm việc quá sức những gì chúng ta đã làm – hãy quên chúng đi và làm việc khác.

Những khẩu hiệu này đã trở thành thần chú với học sinh trường nữ trung học Oxford: “vậy là khá rồi”, “cho nó qua đi”, “không có ai toàn diện cả” và “hãy thử xem”.

Một số em còn được hướng dẫn cách để những suy nghĩ tiêu cực thôi không xuất hiện. Các em bé hơn được hướng dẫn rèn luyện thể thao, viết ra những thành tích không liên quan đến việc học mà các em đạt được hàng ngày.

Buộc phải hoàn hảo, thực ra cũng có hại - Ảnh: Telegraph

Mục tiêu của hiệu trưởng Judith Carlisle là giúp các em phát triển cá tính và không bị ám ảnh về thành tích học tập. “Con em mình lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh, là những tiêu chuẩn mà mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn. Chúng có thể học thêm nhiều điều qua những thất bại” - cô Carlisle giải thích cho việc “giết chết” bé gái hoàn hảo ở trường mình.

Nhà trường cũng khuyến khích các em nhìn vào bản thân của mình một cách thân thiện và thực tế hơn. “Các em sẽ được hỏi như thế nào là một người bạn tốt. Các em tự đưa ra một số tiêu chuẩn tích cực. Và các em tự hỏi tiếp là các em có thể là bạn tốt của chính bản thân mình không? Các em có hay chỉ trích bản thân không?”

Cô Carlisle nhấn mạnh với học sinh, bằng cấp không phải là việc sống còn. “Trong 5 năm tới, chẳng còn ai nhớ em được mấy điểm môn tiếng Pháp trong kỳ thi tốt nghiệp”.

Khi nộp đơn vào trường đại học, cô cũng bảo học trò đừng nhắm vào các trường đại học lớn như Oxford hay Cambridge nếu biết chắc rằng mình sẽ thất vọng ghê gớm do bị từ chối. “Điều đó sẽ hủy hoại cuộc đời của các em. Những cuộc thi không thể hiện các em là ai, nó chỉ diễn ra trong một ngày hôm đó”.

Một số phụ huynh, lúc đầu cũng chưa tiếp thu hết quan điểm "bức tử" bé gái hoàn hảo của hiệu trưởng Judith Carlisle - Ảnh: Telegraph

Dĩ nhiên, hiệu trưởng Judith Carlisle hiểu rõ, quan điểm “bức tử” bé gài hoàn hảo của mình vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ban đầu một số phụ huynh chưa thể tiếp thu được ý kiến này. Cô giải thích với họ: “Nhà trường không làm việc này để giảm giá trị của học sinh, hoặc kéo xuống thấp các tiêu chuẩn trong giáo dục – điều này thật ra là giúp các em thoải mái và tự tin trong học tập, qua đó sẽ đạt thành tích cao hơn”.

Ý tưởng “sự biến mất của cô bé giỏi toàn diện” đến với cô cách đây hai năm trong cuộc nói chuyện với một phụ huynh. Khi ông bố vô cùng hãnh diện khoe con gái của mình là “một cô bé hoàn hảo tuyệt đối”. Cô nói ngay: “Không sao, chúng tôi sẽ sớm giúp bé thoát khỏi tư tưởng đó”.

Cô Carlisle cho biết tiến trình của việc “cải cách” suy nghĩ của các em diễn ra khá chậm, nhưng hầu hết quan khách đến thăm trường đều nhận ra sự khác biệt tại đây. “Hầu hết khách nhận xét có một sự thoái mái trong suy nghĩ và tự nhận biết bản thân của học sinh. Thái độ cởi mở hơn và hăm hở thử sức ở mọi lĩnh vực dần trở nên điều bình thường khi các em nói chuyện với nhau về những thất bại”.

Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhân viên. Một nhân viên cao cấp đã thổ lộ với học sinh về việc cô phải thi đến 7 lần mới lấy được bằng lái xe. Một giáo viên khác (học trò cũ của trường) cho biết cô từng bị từ chối khi thi tuyển làm giáo viên của trường.

Cô Carlisle kết luận: “Thất bại thật sự là khi chúng ta thất bại trong việc thể nghiệm một việc nào đó”.

PHAN QUỲNH DAO (Theo Telegraph)

www.phunuonline.com.vn

Oxford, Cambridge, bé gái hoàn hảo, Judith Carlisle


© 2021 FAP
  652,178       1/1,171