Công nghệ thông tin

Không có cửa nhập tàu quá cũ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bác đề nghị xin nhập tàu cũ của Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt và Công ty CP Đức Khải

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết sau khi xem xét hồ sơ của Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt, ngày 6-8, Bộ NN-PTNT đã có công văn trả lời và cũng gửi văn bản này cho Văn phòng Chính phủ cùng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, việc xin nhập 50 tàu cá vỏ thép đã qua sử dụng, Bộ NN-PTNT cho rằng theo quy định tại Nghị định 52 về nhập khẩu tàu cá và Nghị định 53 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 52, cụ thể: đối với tàu cá nhập khẩu phải có nguồn gốc hợp pháp; là tàu vỏ thép, tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên; không quá 8 tuổi (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu); máy chính (tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu) không quá 2 năm so với tuổi tàu (với tàu cá đã qua sử dụng); được Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam đăng kiểm trước khi đưa tàu về Việt Nam (với tàu đã qua sử dụng).

Khu cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng), nơi  Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt đang dự định đầu tư  
Ảnh: Ngọc Trinh
Khu cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng), nơi Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt đang dự định đầu tư Ảnh: Ngọc Trinh

Vì vậy, căn cứ các thông số kỹ thuật của tàu gửi kèm theo tờ trình của Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt thì thấy có 13 trong số 14 tàu có tuổi trên 15 năm, 1 tàu có tuổi 12 năm, nhiều tàu đóng từ năm 1978, 1982, đã trên 30 năm hoạt động là không đúng quy định.

Ông Tám cũng cho biết theo Nghị định 29 về đăng ký mua bán tàu biển quy định tại điều 9 về giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam thì tàu biển đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng không quá 15 năm. Vì vậy, việc nhập khẩu tàu trong trường hợp này cũng không đủ điều kiện. Về việc vay vốn đóng tàu cá ưu đãi, văn bản của Bộ NN-PTNT cho rằng điều kiện cho vay thì phải là các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duyệt.

Ông Tám cũng cho biết Bộ NN-PTNT cũng không đồng ý với đề xuất của Công ty CP Đức Khải.  Về việc công ty này xin nhập khẩu 100 tàu cá đều được sản xuất từ năm 1985 với các vật liệu khác nhau, Bộ NN-PTNT cho rằng đối chiếu các quy định thì số tàu cá này không đủ tiêu chuẩn.

Không dễ mua máy bay

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết chưa tiếp nhận văn bản chính thức của Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt về việc mua máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, nếu là loại máy bay thông dụng đã được phê chuẩn của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu và Cục Hàng không Liên bang Mỹ thì việc cấp chứng nhận nhập khẩu vào Việt Nam tương đối thuận lợi; máy bay không thông dụng thì Việt Nam không đủ điều kiện chứng nhận cho phép nhập khẩu, lưu hành trong nước.

Trong thực tế, có vài doanh nghiệp mặc dù đã được cấp giấy phép kinh doanh hàng không với hoạt động bay trực thăng theo tuyến TP HCM - Phan Thiết nhưng chưa dám nhận máy bay về vì điều kiện xin phép bay quá ngặt nghèo. Cụ thể, phải được Cục Hàng không cấp phép bay từng chuyến nếu bay theo các đường hàng không; còn ngoài đường hàng không phải hoạt động theo sự quản lý của Bộ Quốc phòng.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,257,920       3/1,530