Công nghệ thông tin

Sáng kiến nhỏ, làm lợi lớn

Sự cần cù và khả năng sáng tạo không ngừng là chìa khóa đưa người thợ đến thành công

Cách đây ít lâu, vì dưa leo trồng hoài không đậu trái, một số nông dân xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP HCM đã đến “cầu cứu” Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM. Trực tiếp khảo sát, ThS Hoàng Đắc Hiệt, Trưởng Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ cây trồng, phát hiện do vườn dưa nằm sát đường lớn, đèn cao áp chiếu suốt đêm nên cây dưa leo không có thời gian nghỉ, ảnh hưởng đến khả năng đậu trái. Hiểu được nỗi vất vả của bà con, anh Hiệt đã hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăm sóc thích hợp để tăng khả năng đậu trái.

Bạn của nhà nông

Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông, tình yêu cây cỏ đã ngấm vào người anh Hiệt. Khi thi đại học, trong lúc bạn bè chọn những ngành “hot” như y dược, kinh tế, bách khoa... thì anh lại nhất quyết thi vào ngành nông học Trường ĐH Nông Lâm Huế. Ra trường đúng thời điểm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM thành lập, anh đầu quân về đây và thỏa sức “vẫy vùng”.

Bảy năm công tác tại trung tâm, bình quân mỗi năm anh và đồng nghiệp cho ra lò từ 5-7 công trình nghiên cứu về các loại cây nông nghiệp đô thị. Đã có nhiều công trình triển khai vào thực tiễn và được bà con nông dân đánh giá cao. Trong số đó, công trình “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt” do anh và các đồng nghiệp thực hiện được ban giám đốc trung tâm đánh giá là có bước đột phá táo bạo nhất.

Anh Hoàng Đắc Hiệt đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng
Anh Hoàng Đắc Hiệt đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng

Thời điểm 2009-2010, nhận thấy cây dưa lưới có giá trị kinh tế cao nhưng nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, anh Hiệt và đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu. Nhờ tìm tòi, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, các anh đã thành công khi cây cho sản lượng từ 3-3,5 tấn/1.000 m² sau khoảng 3 tháng gieo trồng, cao gần gấp đôi so với cách trồng truyền thống. Do trồng trong nhà màng, không phụ thuộc vào thời tiết nên nông dân có thể trồng đến 4 vụ/năm thay vì chỉ trồng 1 vụ/năm như trước. Ưu điểm khác là cây trồng trên giá thể nên phù hợp với nhiều vùng miền khác nhau. Ngay sau đó, công trình đã được chuyển giao cho nông dân ở Bình Dương, Đồng Nai thực hiện và nhận được phản hồi tốt.

Anh Trần Văn Dương hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân tại xưởng may
Anh Trần Văn Dương hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân tại xưởng may

Không chỉ là cây sáng kiến, bất cứ nơi nào bà con nông dân yêu cầu, anh Hiệt đều có mặt để truyền đạt kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật. Nói về anh, ông Lê Văn Cửa, phó giám đốc trung tâm, hết lời khen ngợi: “Ở Hiệt hội tụ nhiều đức tính cao quý: cần cù, chịu khó, yêu nghề và luôn tìm tòi học hỏi. Những đức tính ấy khiến Hiệt trở nên đặc biệt so với những đồng nghiệp cùng về trung tâm 7 năm trước”.

“Biết bao nhiêu, chỉ hết bấy nhiêu”

Ở Công ty Liên doanh Vĩnh Hưng (quận 12, TP HCM), anh Trần Văn Dương, trưởng nhóm triển khai và quản lý chất lượng, được đồng nghiệp đánh giá cao về năng lực chuyên môn. Mỗi tháng, anh đều đặn có từ 2-3 sáng kiến làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Ít ai ngờ rằng 16 năm trước anh chỉ là một công nhân (CN) may như bao CN khác.

Không được đào tạo chính quy, anh Dương chỉ học cắt may gia đình ngắn hạn, sau đó vào làm CN may tại Công ty Liên doanh Vĩnh Hưng. Thế nhưng chỉ sau vài tháng, Dương đã khẳng định tay nghề, đặc biệt là khả năng sáng tạo. Nhận thấy những tố chất ở người thợ trẻ siêng năng và ham học hỏi này, lãnh đạo công ty quyết định chuyển anh qua bộ phận kỹ thuật chuyền. Như cá gặp nước, ở vị trí mới, khả năng sáng tạo trong anh như được khơi nguồn với hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật lần lượt ra đời. Sáng kiến của anh đôi khi chỉ là thay đổi cách may hoặc gia công những chi tiết nhỏ phụ trợ để CN thao tác dễ dàng, hạn chế tối đa sai sót và sản phẩm lỗi. Những sáng kiến tưởng như nhỏ nhoi ấy lại giúp CN tăng năng suất lao động, lợi nhuận của công ty tăng đáng kể. Nói về những sáng kiến của mình, anh Dương tâm sự: “Từng là CN, tôi hiểu được sự vất vả, cực khổ của người thợ; do đó những sáng kiến của tôi ra đời nhằm mục đích giúp CN tăng năng suất lao động để cải thiện thu nhập”. Cũng từ sự đồng cảm đó, anh Dương luôn sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm cho CN trẻ với phương châm “biết bao nhiêu, chỉ hết bấy nhiêu”.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,259,678       3/1,532