Nhà văn Bảo Ninh chưa bao giờ nói gì về những nỗi buồn ngoài cuốn tiểu thuyết. Đối với anh, việc đời vẫn luôn như vậy nên tất cả đều là chuyện bình thường, nhất là đối với một người cầm bút
Tìm gặp Bảo Ninh không dễ, đặc biệt là để phỏng vấn, viết bài. Anh vốn sợ những cuộc phỏng vấn. Người đàn ông gai góc sở hữu mái tóc bù xù và đôi mắt ưu tư luôn chống lại những thứ cảnh vẻ, làm dáng, trau chuốt bề ngoài. “Mọi người thế nào thì tôi thế ấy” - Bảo Ninh chỉ muốn mọi người nhìn mình như thế. Thêm nữa, đã là người cầm bút viết văn, phản ánh những trăn trở vật lộn của xã hội, thời cuộc vào sách vở qua ngòi bút, anh không khi nào cho phép mình “diễn”.
Người lính thời hậu chiến
Bảo Ninh nguyên là lính chiến. Thời chiến tranh, anh chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10. Anh không thể “đóng kịch” với đời, khi mà trong anh vẫn nặng trĩu hình ảnh của người lính tên Kiên lết dọc suối, mồm và vết thương không ngừng nhỏ máu, thứ máu của xác chết, lạnh và nhớt; với những hồi ức về mưa đạn dày đặc như ong lửa, hình ảnh người tiểu đoàn trưởng tự bắn vào đầu, đàn quạ bay rợp trời, chiến trường sình lầy nổi lềnh bềnh xác người, xác thú sấp ngửa, mặt nước màu nâu thẫm nổi váng đỏ lòm…
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
“Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến tranh…” (trích tiểu thuyết). Trong cái dòng hồi ức trộn lẫn với hiện tại lùng bùng xô đẩy ấy không chỉ có những cái chết, mà quan trọng hơn, còn có cả biết bao thân phận con người đang sống. Họ không thể nào thoát khỏi chiến trường cho dù cuộc chiến đã qua quá lâu. Họ còn đó những ước mơ dang dở từ thời trong veo cắp sách tới trường, những vật vã hiện tại giữa tốt - xấu, đen - trắng không thể phân minh. Nhà văn tức là phải tư duy, Bảo Ninh quan niệm thế. Những dòng suy nghĩ vật lộn trong đầu óc nhiều khi khiến anh “ngạt thở”, khiến người đàn ông xù xì này phải tìm tới những cơn say.
Cứ giẫm lên gai mà đi
Nỗi buồn chiến tranh vừa ra đời hồi năm 1987 đã lập tức gây “bão” trên văn đàn Việt. Ngoài chuyện liên tiếp nhận các tặng thưởng, giải thưởng, những niềm vinh dự khó quên, cha đẻ của cuốn tiểu thuyết được nhiều nhà phê bình trong và ngoài nước tôn vinh là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại”, “thành tựu lớn nhất của văn học đổi mới”… còn nhận được rất nhiều thứ đắng chát trong cuộc sống và sự nghiệp viết lách của tác giả. Có những chuyện không thể nào kể hết. Năm 2005, cuốn tiểu thuyết chỉ được tái bản với tên gọi Thân phận của tình yêu. Sau đó, sách đã được in lại với tên chính thức đã nổi danh Nỗi buồn chiến tranh nhưng những nỗi buồn mà tác giả đã trải nghiệm và đi qua, anh chỉ muốn quên đi mà không dễ gì quên được.
Cho đến tận bây giờ, sau mấy chục năm đổi mới, nếu để lên “bàn cân” của bất cứ hội đồng lựa chọn giải thưởng nào liên quan đến văn học Việt, cũng chưa có cuốn sách nào vượt qua Nỗi buồn chiến tranh.
Bảo Ninh chưa bao giờ nói gì về những nỗi buồn ngoài cuốn tiểu thuyết. Đối với anh, việc đời vẫn luôn như vậy nên tất cả đều là chuyện bình thường, nhất là đối với người cầm bút, đừng bao giờ trách sao con đường không rải toàn hoa hồng. Cứ giẫm lên gai mà đi, quan trọng là phải đi rồi sẽ hiểu thế nào là hương thơm và trái ngọt. Là nhà văn, quan trọng nhất là đã để lại gì cho độc giả, có người cả đời chỉ có một cuốn sách còn hơn là viết nhiều mà vẫn chẳng để lại gì. Chính vì khắc nghiệt với việc viết lách của mình, Bảo Ninh ít khi xuất hiện cả ở các sự kiện lẫn trên mặt báo.
Từ bỏ “ăn mày dĩ vãng”?
Hai chục năm vắng bóng vật lộn với những trăn trở về đời sống và nghiệp viết, Bảo Ninh đã trở lại đầy u buồn trong tập truyện Chuyện xưa, kết đi được chưa? Cái tên tập truyện dường như là một tuyên ngôn, một định hướng hay là sự từ bỏ “ăn mày dĩ vãng”, để quyết liệt đến với những gì mới mẻ?
Chưa thực sự công bố về cuốn tiểu thuyết mới đang ấp ủ mà như anh mong muốn thì chắc chắn sẽ phải vượt qua những thành tựu đã cũ nhưng người đọc vẫn gặp lại trạng thái lâng lâng, đột ngột, khắc khoải và xúc động đến tê người mỗi khi hội ngộ cùng những nhân vật trong truyện ngắn của Bảo Ninh. Chính vì thế, bạn đọc yêu văn chương càng mong chờ hơn ngày ra mắt đứa con tinh thần mới của người viết tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh Việt Nam. Và cho dù Bảo Ninh sẽ vẫn trăn trở viết về chiến tranh nhưng chắc chắn tiểu thuyết mới sẽ mang phong vị của những chiêm nghiệm mới mẻ sau suốt mấy chục năm hòa bình.
Nghề văn là nghề ngẫm nghĩ
Bảo Ninh có nhiều truyện ngắn nổi danh: Trại bảy chú lùn, Khắc dấu mạn thuyền, tập truyện ngắn Chuyện xưa, kết đi được chưa?, Lan man trong lúc kẹt xe... Đặc biệt là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, được dịch và xuất bản ở nhiều nước phương Tây. Nỗi buồn chiến tranh còn được nhiều hãng phim trong và ngoài nước đăng ký chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh nhưng tác giả chưa đồng ý. Cuốn tiểu thuyết này từng có lần được Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn giới thiệu vào Giải thưởng Nobel, được tiếp cận với hội đồng lựa chọn của giải thưởng danh giá này. Năm 2011, tại Đại hội Các nhà văn châu Á, tổ chức ở Nhật Bản, Bảo Ninh là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được tặng giải thưởng Nhà văn châu Á.
“Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui” - nhà văn Bảo Ninh viết và in trên bìa tập sách Bảo Ninh - Những truyện ngắn như vậy.