Công nghệ thông tin

Oan sai và tình mẹ

Câu chuyện về 2 người mẹ có cùng những điểm chung: nghèo, bệnh tật, không biết chữ nhưng bất kể thế nào vẫn luôn giữ vững niềm tin con hoàn toàn trong sạch

Cuối cùng, vụ án giết tài xế xe ôm ở huyện Trần Đề và vụ án giết một người nghiện rượu ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cũng đang dần đi đến hồi kết khi 7 người bị hàm oan và 2 người bị nghi oan sai được trở về đoàn tụ với gia đình; những cán bộ điều tra liên quan đến 2 vụ án trên bị khởi tố về tội “Dùng nhục hình”, trong đó có người bị bắt tạm giam.

“Con được minh oan là mẹ mừng rồi...”

Khi VKSND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với những thanh niên trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng, chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị Bỏ, mẹ của Trần Văn Đỡ, một trong 7 người bị hàm oan.

Trong căn chòi nhỏ được dựng tạm bợ bằng vài miếng tôn ghép lại để che mưa nắng, bà Bỏ ngồi khóc như đứa trẻ vì quá vui mừng khi con trai được trở về sau nhiều tháng bị tạm giam. Đỡ là con trai út trong 4 người con của bà Bỏ. Do không đất, không nhà, bà Bỏ nhận trông coi phần mộ gia tộc cho một chủ đất ở thị trấn Trần Đề. Cảm thương bà nên trước khi mất, chủ đất đã làm di chúc tặng miếng đất cạnh khu mộ cho gia đình bà sinh sống qua ngày. Không chịu nổi cuộc sống khó khăn và bệnh tật cứ đeo bám bà, chồng bà bỏ đi, một mình bà xoay xở nuôi con.

Bà Quới ( thứ 2, hàng đầu, từ phải sang) đau xót khi nghe ông Lé thuật lại chuyện bị nhục hình
Bà Quới ( thứ 2, hàng đầu, từ phải sang) đau xót khi nghe ông Lé thuật lại chuyện bị nhục hình

Hôm Đỡ bị bắt đưa lên tỉnh, bà vắng nhà. Khi về, nghe hàng xóm nói Đỡ phạm tội giết người, tay chân bà run rẩy, tim như thắt lại. Nuôi con từ nhỏ đến lớn, bà hiểu rõ Đỡ không thể mang trọng tội, nhất là đối với người cậu bà con. Sau khi bình tĩnh lại, bà tức tốc thuê xe ôm lên tỉnh để hỏi cho ra lẽ. Không biết chữ, bà nhờ cánh xe ôm viết họ tên Đỡ vào tờ giấy rồi cầm đi dò hỏi hết cơ quan này đến cơ quan khác để tìm thông tin về con nhưng không ai trả lời được.

Không nản lòng, bà bán đi tất cả những thứ gì có giá trị, hết lần này đến lần khác lặn lội lên tỉnh mong được gặp mặt con để biết chuyện gì đang xảy ra. Suốt nhiều tháng ròng, hầu như đêm nào bà cũng thức trắng cầu trời cho sự việc sớm được sáng tỏ để Đỡ quay về bởi bà tin Đỡ vô tội.

Ngày Đỡ về, bà đứt từng khúc ruột khi nghe con thuật lại những kiểu dùng nhục hình mà các điều tra viên đã làm để buộc Đỡ thừa nhận tội giết người. Vậy mà sau đó, bà vội vàng quệt nước mắt, bao dung: “Thôi, con được minh oan là mẹ mừng rồi. Bỏ qua hết chuyện đau buồn, bắt đầu lại nha con”.

Trách mình không cho con đi học

Người dân xứ biển ở khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, ai cũng yêu quý và kính trọng gia đình bà Đào Thị Quới (SN 1943). Chồng mất cách nay khoảng 30 năm, bà Quới ở vậy nuôi 2 người con trai là Phạm Văn Lé (SN 1963) và Phạm Văn Lến (SN 1975, bị tâm thần nhẹ). Dù nghèo nhưng mẹ con bà sống nhân hậu, hễ nghe tin ai bị ốm đau, bệnh tật, ông Lé không nề hà, sẵn sàng chở họ đến trạm xá hay bệnh viện.

Cũng vì vậy, khi hay tin 2 anh em ông Lé bị bắt giam do có liên quan đến vụ giết ông Lâm Tài Mấu, không ai tin. Nhiều người cùng đứng ra làm chứng đêm xảy ra vụ án (2-8-2012), ông Lé không dùng cây đánh chết nạn nhân, ông Lến cũng không tự đi đầu thú vì có lúc ngay cả tên cha, tên mẹ, ông Lến cũng không nhớ rõ.

Hai con trai bị bắt, bà Quới cũng bị mời lên làm việc nhiều lần. Bà luôn khẳng định các con vô tội bởi không lý gì chuyện xảy ra trước nhà mà bà ngủ say đến mức không biết chuyện ông Lé đánh chết người. Không biết chữ, bà Quới nhiều lần nhờ người thân chở đến các ngành chức năng trực tiếp kêu oan cho con. Đổi lại, bà chỉ nhận được những cái nhìn lạnh lùng. Hằng đêm, bà chỉ còn biết thắp hương lên bàn thờ của chồng, mong ông cứu giúp các con thoát khỏi nỗi oan.

Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, hàng trăm người dân xóm biển tìm đến nhà bà chia vui khi 2 ông Lé và Lến đều được cho về nhà từ quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của VKSND tỉnh Sóc Trăng. Nghe con trai kể lại chuyện bị cán bộ điều tra chích điện đến ngất xỉu buộc nhận tội giết người, bà lại sụt sùi khóc. Bà trách bản thân không lo cho các con được biết chữ để tự đấu tranh bảo vệ công lý cho chính mình. “Phải chi biết ít chữ thì tụi nó đâu phải bị giam gần 2 năm qua” - bà cứ lẩm nhẩm như thế. 

Nội dung 2 vụ án

Rạng sáng 6-7-2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (ngụ huyện Trần Đề, hành nghề xe ôm) nằm chết gục trên đường. Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Cơ quan CSĐT quyết định bắt tạm giam 6 nghi can để điều tra về hành vi giết người, trong đó có Trần Văn Đỡ. Riêng Nguyễn Thị Bé Diễm cũng bị tạm giam về hành vi không tố giác tội phạm.

Trong lúc vụ án đang chuẩn bị bước vào giai đoạn truy tố, xét xử, bất ngờ Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) đến công an đầu thú, thừa nhận chính Duyên và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ huyện Trần Đề) giết ông Dũng để cướp tài sản.

- Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng, khoảng 0 giờ ngày 3-8-2012, sau khi nhậu say, Lâm Tài Mấu đến chửi bới và đập cửa nhà ông Phạm Văn Lé, bị ông Lé dùng cây đánh. Sau khi bất tỉnh, Mấu bỏ về. Đến 2 giờ 45 phút cùng ngày, người dân phát hiện Mấu nằm chết cách nhà ông Lé khoảng 1,5 km. Ngày 13-9-2012, ông Phạm Văn Lến đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận có chứng kiến việc ông Lé cầm cây đánh vào đầu Mấu. Sau đó, ông Lé bị khởi tố tội “Giết người”, còn ông Lến và bà Thạch Thị Xem, vợ ông Lé, bị khởi tố tội “Không tố giác tội phạm”.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,258,196       3/1,531