Thể thao

Những tuyển thủ bóng chuyền kêu cứu

Các VĐV nữ của đội Vietsovpetro phải góp tiền ăn mì và rau qua ngày sau khi bị CLB nợ lương.

Mới đây, tuyển thủ đội bóng chuyền nữ Việt Nam và CLB Vietsovpetro Đinh Trà Giang vừa có bức tâm thư kêu cứu về việc mình và các VĐV trong đội đang phải bơ vơ, không lương, chế độ. Trước đó, đội bóng chuyền nữ Vietsovpetro sáp nhập với đội Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương. Hai tháng sau, toàn bộ 17 VĐV, trong đó có Trà Giang không được nhận một đồng lương nào từ CLB mới.

"Cháu không biết phải nói như thế nào và bắt đầu từ đâu, hiện tại cháu cùng các chị em đều bơ vơ không biết công việc như thế nào. Bây giờ chúng cháu đều tự lo ăn uống sinh hoạt, không tiền ăn, không tiền lương, không người quan tâm, không ai lo lắng. Cháu lớn nên cũng có tiền để ăn và sinh hoạt hàng ngày nhưng mấy em trẻ vào không có nhiều tiền. Hôm cháu đi ra ngoài về nhìn thấy mấy đứa nấu mì ở bếp. Cháu hỏi sao không ra ngoài ăn, mấy đứa chỉ nói là bọn em 3 người gom vào được 26.000 mua mì và ít rau chị à. Chiều cháu chỉ biết mang hết đồ ăn ở phòng cháu cho các em, qua phòng nhìn mấy đứa kêu đói dù không phải chị ruột nhưng cháu thấy đau lòng lắm ạ", những tâm sự đầy nước mắt của Trà Giang trên Facebook.

tra-6719-1392627482.jpg

Trà Giang kêu cứu khi thấy các đàn em chịu khổ vì CLB nợ lương. Ảnh: KL.

Các nữ VĐV Vietsovpetro không phải là người khốn khổ duy nhất ở làng bóng chuyền. Đã mấy tháng từ khi CLB Dầu khí giải thể, các VĐV vẫn chưa biết đi đâu về đâu. Éo le ở chỗ, việc bị đẩy ra đường khiến tất cả không kịp trở tay, vì quy định của Liên đoàn bóng chuyền không cho phép các VĐV được đăng ký thi đấu cho hai CLB ở cùng một mùa giải. 

Chấp nhận giải thể, mong muốn của các VĐV là được hưởng chế độ đến hết tháng 12/2013 để giải quyết những khó khăn kinh tế trước mắt. Tuy nhiên, cuối cùng, lãnh đạo phía Tập đoàn dầu khí chỉ đền bù hợp đồng cho VĐV 3 tháng lương. Chủ công Trần Văn Giáp của đội bóng chuyền nam Dầu khí tâm sự: "Vẫn biết việc một CLB giải thể là chuyện bình thường, nhưng giá như lãnh đạo đội bóng có kế hoạch từ sớm để các VĐV lo tương lai. Đằng này, đùng một cái các VĐV bị đẩy ra đường, giờ cũng chẳng thể xin việc ở đâu".

Bản thân Văn Giáp năm nay 31 tuổi, tương lai rất mờ mịt. Cay đắng ở chỗ, chính Văn Giáp trước đây từng được lãnh đạo Tập đoàn năn nỉ mời về với những lời hứa đảm bảo tương lai sau khi giải nghệ. Vì thế, lão tướng quyết định bỏ đội Công an Vĩnh Phúc để đầu quân cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Buồn và đau lòng nhất là Đặng Thị Hồng (cựu VĐV và đang là nhân viên văn phòng) có bầu 5 tháng nhưng vẫn bị đuổi việc. 

Sau khi nhận quyết định giải thể và được CLB đền bù hợp đồng, các VĐV mỗi người một nơi. Một số xin tập nhờ ở CLB thân quen để duy trì thể lực, trong khi số khác đã về quê làm công việc gì đó rồi chờ mùa giải tới tính tiếp. Trước đó, những vụ kiện cáo của Văn Hạnh, Hữu Hà…tốn nhiều giấy mực của báo chí. Thậm chí, trường hợp của Văn Hạnh còn phải nhờ Tòa giải quyết.

Trong những tranh chấp, kiện cáo liên quan đến hợp đồng, VĐV thường chịu thiệt vì CLB luôn nắm đằng chuôi. Việc nhiều đơn vị, đội bóng đối xử với VĐV theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ, gây ra những bức xúc trong giới thể thao.

Phương Anh

NgoiSao.net

Những tuyển thủ bóng chuyền kêu cứu - Ngôi sao


© 2021 FAP
  1,150,220       1/870