24h qua - Thế giới

Thế giới choáng váng khi biết cơ phó là thủ phạm vụ tai nạn Germanwings

PN - Không tin, choáng váng, hoài nghi và kinh hãi, đó là tâm trạng và phản ứng của thế giới – từ các nhà lãnh đạo cho đến các phi công, người nhà nạn nhân và người thường - khi biết viên cơ phó 27 tuổi chính là kẻ lái máy bay đâm vào núi...


Cơ phó Andreas Lubitz người lái máy bay đâm vào núi Alps - Ảnh: Facebook

Trong cuộc họp báo ngày 26/3, Công tố viên Pháp Brice Robin nói Andreas Lubitz, cơ phó chuyến bay 9525, đã ở lại một mình trong buồng lái và điều khiển máy bay, sau khi cơ trưởng bị mắc kẹt bên ngoài, Lubitz đã "cố ý" lái chiếc Airbus A320 đang bay chặng Barcelona-Duesseldorf lao thẳng vào núi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với báo giới: "Hôm nay, tin tức đã đến với chúng ta và cho chúng ta biết một sự thật mới, đơn giản không thể hiểu được. Tin này tác động đến tôi cũng giống như nó ảnh hưởng đến mọi người, và nó vượt xa bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng”.

Một công nhân ở Tây Ban Nha, người mất hai người bạn là đồng nghiệp trong vụ tai nạn, đã “bất lực và giận dữ” lên án hành động của cơ phó: "Một người không thể có quyền kết thúc cuộc sống của hàng trăm người và gia đình của họ”.

Trong khi đó, ông Carsten Spohr, giám đốc điều hành Lufthansa, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Germanwings, đã thốt lên: “Không ai biết được điều gì là động cơ khiến cơ phó đi đến hành động khủng khiếp như thế”.


Cảnh sát lục soát nơi cư trú của cơ phó "giết người" ở Duesseldorf - Ảnh: AP

Còn ông Ulrich Wessel, hiệu trưởng trường trung học Joseph Koenig ở Haltern, Đức, trường đã mất 16 học sinh và hai giáo viên trong vụ tai nạn thì nói: "Tôi thông báo ngay tin này cho các đồng nghiệp của tôi và họ cũng choáng váng y như tôi. Chúng tôi nói rằng điều này tệ hơn những gì chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Mong rằng sẽ có các biện pháp kỹ thuật để không bao giờ xảy ra chuyện tương tự”.

"Tôi bị sốc khi biết tin tức mới nhất từ các nhà điều tra”, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đăng trên tài khoản Twitter của mình. Tây Ban Nha là nước có nhiều nạn nhân thứ hai trong vụ tai nạn sau Đức.

"Ngay lúc này, tôi nghĩ ai cũng lo lắng. Không ai trong chúng ta “miễn dịch” với hành động loại này. Máy bay là phương tiện vận tải an toàn, nhưng không ai có thể ngăn chặn một hành động điên rồ nếu như có kẻ quyết định làm điều đó”, Steve Serdachny, 45 tuổi, người vừa bay đến sân bay Helsinki (Phần Lan) từ Toronto (Canada) cho biết.


Thân nhân các hành khách gặp nạn được đưa đến gần khu vực máy bay rơi - Ảnh: ABC News

“Không thể tin rằng với nhiều biện pháp kiểm tra an ninh và an toàn mà một phi công có thể khóa buồng lái không cho phi công khác vào?”, Osmo Karppinen, một hành khách rời Helsinki đến Thổ Nhĩ Kỳ nêu thắc mắc.

Theo tin mới nhất, cơ quan điều tra Đức đã lục soát nhà riêng của cơ phó Andreas Lubitz để tìm kiếm động cơ hành động “điên rồ” của anh ta. Đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy Lubitz có liên quan đến các tổ chức khủng bố.

Đồng thời, các hãng hàng không cũng triển khai các quy định an toàn bay nhằm không cho phép chỉ một phi công ở lại trong buồng lái.

VIỆT HƯNG
(Theo AP, BBC, AFP)
 

www.phunuonline.com.vn

Tai nạn máy bay, Airbus A320, hãng Germanwings, chuyến bay 4U 9525, dãy núi Alps, hộp đen


© 2021 FAP
  395,569       1/773