24h qua - Thế giới

Hoa Kỳ nỗ lực làm dịu căng thẳng Biển Đông

PNO - Trung Quốc đã chống lại nỗ lực của Mỹ muốn kiềm chế hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang tập trung vào Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông và Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông .

Các đại biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ngày 10/8 ở Myanmar - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về "tình trạng căng thẳng gia tăng" và kêu gọi đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Trung Quốc, trong khi quan chức Mỹ nói rằng Bắc Kinh đã thất bại trong việc giảm nhẹ ý nghĩa các tranh chấp trên biển.

Không nhắc đến Trung Quốc, các nước ASEAN chỉ "ghi nhận" một kế hoạch chính thức gồm ba điểm do Philippines, đồng minh của Mỹ, đề xuất nhằm cấm các hành động gây mất ổn định ở Biển Đông. "Chúng tôi kêu gọi tất cả bên liên quan kiềm chế và tránh hành động có thể làm phức tạp tình hình và phá hoại hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông”, ASEAN cho biết trong một thông cáo sau cuộc họp cuối tuần tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar.

Cuộc họp này là một phần của Diễn đàn khu vực ASEAN, với sự tham gia của 27 quốc gia trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Ngoại trưởng John Kerry cho biết ông rất hài lòng với tuyên bố chung. "Tôi nghĩ rằng ngôn từ đi đủ xa”, ông Kerry nói với các phóng viên. "Tôi nghĩ chúng tôi đã làm những điều chúng tôi định làm. Chúng tôi không tìm cách vượt qua một cái gì đó, mà cố gắng đưa ra một điều gì có thể được chấp nhận". Tuyên bố chung kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử COC để giảm bớt căng thẳng hàng hải, bao gồm cả "các yếu tố cụ thể" để thúc đẩy lòng tin. Các cuộc đàn phán đã bắt đầu, nhưng ít đạt được tiến bộ đáng kể.

Trung Quốc từng bác bỏ sự can dự của Mỹ trong cuộc tranh chấp cũng như bác bỏ đề nghị “đóng băng” của Washington. Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ về việc khuyến khích các nước có yêu sách lãnh thổ như Philippines và Việt Nam vào quỹ đạo của Mỹ.

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận xây dựng lòng tin mang tên Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), quy định việc các bên kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình, không gây căng thẳng và đặc biệt là không đưa người lên các bãi đá, đảo đá hiện nay không có người sinh sống.

Ngoại trưởng Mỹ và Việt Nam gặp nhau bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN - Ảnh: Reuters

Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh, cho biết người ta đã sai lầm khi cho rằng ASEAN không ủng hộ đề xuất của Mỹ, mà lưu ý rằng Trung Quốc và ASEAN đã cam kết thực hiện DOC năm 2002. "Điều này cho thấy rõ rằng bản chất đề nghị của Hoa Kỳ đã được phản ánh trong DOC”, ông Minh nói.

Hồi tháng Năm, Philippines cáo buộc Trung Quốc cải tạo đất trên đảo đá Gạc Ma (Johnson South Reef) đang tranh chấp để xây dựng một đường băng. Cùng với Gạc Ma, Trung Quốc đã tiếp tục san lấp, cải tạo trên đảo đá san hô Ga Ven (Gaven), Châu Viên (Cuarteron) và Én Đất (Eldad) trong khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

HÒA NINH (Theo Reuters)

www.phunuonline.com.vn

ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Myanmar


© 2021 FAP
  405,528       1/980