24h qua - Thế giới

Thất bại của “bà đầm thép Nam bán cầu”

PNO - Cuộc thương thảo giữa Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof và các chủ nợ kết thúc trong ngày 30/7, hạn chót để nước này trả nợ, mà không có kết quả. Argentina lâm vào tình trạng vỡ nợ từ thời điểm ấy.

 

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof  trogn quá trình đàm phán tại New York, Mỹ -Ảnh: AP

Một nhà hoạt động xã hội cầm tờ báo có dòng chữ "Argentina hay kền kền" trong cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ trước cuộc chiến pháp lý với các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: AP

"Bầy diều hâu khát máu"

Đó là món nợ mà Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner từng gọi là “mồi của bầy diều hâu khát máu”, bởi các nhà đâu tư nước ngoài đã mua cách nay hơn 10 năm khi trái phiếu quốc gia rơi xuống tận đáy. Phán quyết của Tòa án Mỹ, ngày 30/7, kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm, trong đó Argentina tìm cách không trả khoản nợ này nhưng các nhà đầu tư không đồng ý giảm hoặc gia hạn thanh toán.

Còn nhớ, vào giai đoạn 2001-2002, trong nỗ lực giải quyết nợ công, chính phủ Argentina đề nghị các nhà đầu tư nhận đều đặn một khoản lãi với điều kiện phải giảm giá trị đầu tư đến 70%. Hơn 92% chủ nợ của Argentina đồng ý điều này nhưng các nhà đầu tư lớn, đứng đầu là các Quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management bác bỏ đề xuất đó.

Tuy chính phủ Argentina đã có hai đợt tái cấu trúc nợ công vào các năm 2005 và 2010, nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ lớn. Argentina cho rằng các nhà đầu tư đã mua nợ chính phủ với giá cực thấp và không có thái độ hợp tác trong nỗ lực tái cấu trúc nợ công của Argentina.

Nữ Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner hoàn toàn có lý khi gọi các nhà đầu tư nước ngoài là “bầy diều hâu khát máu”, vì nhiều chuyên gia kinh tế rất ngạc nhiên với phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Eric LeCompte, giám đốc điều hành một tổ chức tài chính ở Mỹ, nhận định: “Đối với những nước đang chống chọi với nạn nghèo đói thì phán quyết này không hợp lẽ. Nhiều năm nay hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã thỏa thuận là những nước nghèo phải được giảm hoặc xóa nợ vì lơi ích của người dân. Bây giờ phán quyết của tòa án đã phá vỡ chính sách đó”.

Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner đã phạm sai lầm trong điều hành nền kinh tế nước này - Ảnh: Telegraph

"Bà đầm thép Nam bán cầu" mất cơ hội ghi điểm 

Thật ra, bà Kirchner cũng phải chịu trách nhiệm phần lớn về nguy cơ vỡ nợ. Sau cuộc tái cơ cấu nợ công năm 2002 khiến hàng triệu người dân mất sạch tài sản tiết kiệm, Argentina có thời kỳ phát triển kinh tế đầy ấn tượng nhờ việc xuất khẩu nông sản với giá cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khởi sắc. Tuy nhiên, chính phủ của bà Kirchner đã khiến khả năng hồi phục của nền kinh tế bị hủy hoại khi chi tiêu nhiều khoản vô bổ và bù đắp chi tiêu bằng cách in thêm tiền. Hệ quả tất yếu là tỷ lệ lạm phát tăng cao, chỉ trong năm rồi, chỉ số giá cả bình quân tăng 28%

Bà Kirchner còn có không ít bước đi sai lầm trong điều hành kinh tế. Chính phủ của bà tiến hành quốc hữu hóa các ngành kinh tế quan trọng như dầu khí, hàng không, các quỹ hưu trí... Chẳng những thế, vào năm 2011, Argentina còn thiết lập chế độ kiểm soát ngoại tệ bằng quy định hạn mức cho mỗi người dân đổi tiền peso thành đồng đô la. Hệ quả là “thiệt đơn thiệt kép”, bởi việc này không chỉ hình thành thị trường ngoại tệ chợ đen đấy bất ổn mà còn khiến người dân mất lòng tin về cách điều hành kinh tế của chính phủ.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến mới đây, có đến 75% người được hỏi cho rằng chính phủ đã điều hành kinh tế đất nước theo hướng sai lầm. Điều đó cũng có nghĩa, lòng tin người dân dành cho bà Kirchner đã giảm đến mức đáng báo động.

Nhiều năm nay, bà Cristina Fernández de Kirchner được nhiều người trong giới chính trị ngưỡng mộ. Là một chính trị gia thành đạt bằng chính nỗ lực của mình, vẻ kiều diễm cùng tính quyết đoán, khả năng ứng biến cùng cách nói chuyện thuyết phục, bà Kirchner trở thành hình mẫu của nhiều lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là những người theo cánh tả.

Uy tín của "Bà đầm thép Nam bán cầu" sa sút đáng kể - Ảnh: International Business Times

Được mệnh danh là “Bà đầm thép Nam bán cầu”, bà Kirchner là bạn thân của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng như cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Nhiều vị nguyên thủ của các nước thuộc thế giới thứ ba vừa nhậm chức đã đến thăm Argentina với mục đích học tập sự sự trỗi dậy nhanh chóng của một nước vừa vượt qua khủng hoảng.

Có vẻ như bây giờ những điều đó đã đi vào quá khứ. Lần thứ nhì Argentina vỡ nợ trong vòng 13 năm khiến uy tín của bà Kirchner giảm sút. Đây đã là những tháng cuối trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì mà hiến pháp Argentina không cho phép bà ứng cử lần nữa.

Một người khác sẽ phải xoay sở để đưa đất nước Argentina ra khỏi ngõ cụt, nhưng người ta vẫn tiếc cho Tổng thống Kirchner.

Bà có cơ hội để kết thúc hai nhiệm kỳ của mình trong tư thế người hùng đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, nhưng một số sai lầm trong việc điều hành kinh tế khiến bà Kirchner ra đi với tâm thế thất bại.

THIỆN NGA (theo New York Times, Guardian)

www.phunuonline.com.vn

Cristina Fernández de Kirchner, Argentina, vỡ nợ


© 2021 FAP
  405,660       6/982