PN - Tại nhiều nước kém phát triển, FINCA International được xem như Ngân hàng thế giới dành cho người nghèo. Hàng năm, FINCA cho các doanh nghiệp có thu nhập thấp vay khoảng một tỷ USD.
Số tiền cho vay một lần thường chỉ là 20 USD, rất ít nhưng với số lượng khổng lồ của các doanh nghiệp đang kiệt vốn thì ngân hàng vẫn “ăn nên, làm ra”. FINCA hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng tại châu Phi, nơi nạn tham nhũng hoành hành, ngân hàng là điểm tựa của các doanh nghiệp rất nhỏ và nghèo.
Tại Uganda, năm 2008, Josephine Nakawooya đã vay vốn của FINCA để thuê địa điểm và hai giáo viên, lập Trường Christ the King. Với khoản vay 350 USD, ngôi trường của Josephine ngày càng lớn mạnh. Từ 50 học sinh ban đầu, đến nay số học sinh đã tăng gấp năm lần. Trường nằm ở một thị xã hẻo lánh tại Nakitalaaka, cách thủ đô Kampala ba giờ đi xe. Trường không có điện, nước, 250 học sinh “dồn toa” trong chín phòng học. Tuy nhiên, nụ cười trên khuôn mặt của học sinh cho thấy các em rất hạnh phúc khi được đến trường. Trước đây, các em phải đi bộ tám cây số để đến ngôi trường gần nhất, nay trường Christ the King có thể tiếp nhận học sinh cho cả một số làng lân cận. Cô Nakawooya, 39 tuổi, đang mơ ước mở rộng ngôi trường: “Số tiền vay được đã giúp tôi trả lương cho giáo viên và mua đồ dùng dạy học. Hiện tôi đã có đủ vốn để mua một mảnh đất, xây một ngôi trường khang trang hơn”.
Một ví dụ khác chứng minh cho sự thành công nổi bật của FINCA là trường hợp Cissy Ssekyewa. 14 năm trước, cô vay 25 USD từ ngân hàng, thu mua sản phẩm phế thải của một công ty đệm mút, xé nhỏ và chế biến thành gối. Hiện cô có một xưởng sản xuất với vài chục nhân viên và ba cửa hàng. Doanh nghiệp của cô nay đáng giá khoảng một triệu USD. Cissy chia sẻ: “FINCA đổi đời tôi, từ tay trắng trở thành triệu phú”.
Cô Josephine Nakawooya và học trò của mình - Ảnh: TeleGraph
Sáng lập viên của FINCA là ông Rupert Scofield, 64 tuổi. Trong hồi ký của mình, ông tâm sự, việc từ chối gia nhập cuộc chiến tại Việt Nam là bước ngoặt cho đời ông. Mùa xuân 1971, không muốn thiệt mạng vì một cuộc chiến vô nghĩa, ông Rupert tình nguyện đi phục vụ tại các nước nghèo.
Sau hai năm giúp nông dân tại Guatemala, ông nhận thấy dù cần cù lao động, nông dân tại đây vẫn mãi nghèo vì đất đai cạn kiệt phù sa mà họ lại không đủ tiền mua phân bón. Ông nghĩ ra việc cho họ vay một số tiền nhỏ để đầu tư. Từ đó, lợi tức của nông dân tăng gấp hai ba lần. Trong số 800 người vay nợ, 799 người đã hoàn vốn đủ và đúng hạn.
Năm 1984, cùng với John Hatch, Rupert Scofield thành lập ngân hàng phi lợi nhuận FINCA International (the Foundation for International Community Assistance). Ngân hàng có trụ sở tại Mỹ với 12.000 nhân viên trên toàn thế giới và đại sứ toàn cầu là diễn viên Natalie Portman. Mạng lưới ngân hàng nhỏ đã hỗ trợ tài chính cho hơn một triệu doanh nghiệp có doanh thu thấp ở 23 nước tại bốn châu lục.
Đặc biệt, phương châm và mục tiêu của FINCA là ưu tiên cho phụ nữ. Rupert từng phát biểu: “Lịch sử đã chứng minh, phụ nữ ít gây rủi ro hơn, họ thường có trách nhiệm hơn, có lẽ do thiên chức chăm sóc và bảo vệ con cái. Họ ít liều lĩnh và có khả năng sáng tạo hơn nam giới. Vì họ giữ hầu bao của gia đình, nên họ luôn biết ở đâu thì có khả năng sinh lợi trên thị trường mỗi ngày”.
PHAN QUỲNH DAO (Theo Telegraph, FINCA)
FINCA, ngân hàng cho người nghèo, Rupert Scotfield