24h qua - Thế giới

Trung Quốc: Đánh đổi nguồn đất sạch

PNO - Đất, nước, không khí, 3 yếu tố quan trọng nhất của môi trường đang bị đánh đổi vì nền kinh tế công nghiệp ở Trung Quốc.

 Theo Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, 1/5 diện tích đất trồng ở nước này đã bị nhiễm độc. Cadmium, nickel, thạch tín (cực kỳ độc hại) chiếm lượng không nhỏ trong đất. Kết quả trên đáng tin cậy vì nó được tiến hành kiểm nghiệm độc lập trên diện tích đất là 6,3 triệu km2, chiếm 2/3 diện tích đất trồng trên toàn lãnh thổ quốc gia này.

Đất sạch ở Trung Quốc ngày càng khan hiếm (ảnh: NYTimes)

Trong quyển sách “Ô nhiễm đất và sức khoẻ người dân” do Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc mới xuất bản có đề cập đến con số 13 triệu tấn lương thực bị nhiễm độc kim loại nặng do đất bẩn đến với người tiêu dùng mỗi năm.

Bộ trên cho biết, khó mà lạc quan khi nghĩ đến tình trạng đất trồng hiện nay trên cả nước. Trong thời gian dài, Trung Quốc tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp và song song đó là đẩy mạnh lượng khí thải, những đất độc hại ra môi trường. Giờ đây, mức độ ô nhiễm ngày càng khó kiểm soát. Tân Hoa Xã dẫn số liệu rằng đến 82,8% vùng đất nhiễm độc chứa các chất độc vô cơ khó phân huỷ. Tỷ lệ này tăng theo thời gian.

Những vùng đất từng là nơi đắc địa cho các nhà máy sản xuất công nghiệp, nay được ví như những vùng đất chết. Nó bao gồm các khu vực: đồng bằng sông Trường Giang, Châu Giang và một số vùng ở khu vực phía Bắc Trung Quốc (Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc). Những khu vực này chỉ chiếm 8% diện tích quốc gia nhưng tiêu thụ đến 43% lượng than trên cả nước. Trường Giang là sông quan trọng nhất trong lịch sử, văn hóa, và kinh tế của Trung Quốc. Đồng bằng châu thổ Trường Giang màu mỡ tạo ra 20% GDP của Trung Quốc.Thế nhưng, với tình hình hiện nay, nơi này không còn là “thiên đường” của một hệ sinh thái khoẻ mạnh.

Canh tác tại Trung Quốc (ảnh: New York Times)

Chính người dân Trung Quốc cũng phải tẩy chay các sản phẩm nông nghiệp xuất xứ tại đây. Hệ quả là những nhà đầu tư Trung Quốc phải tìm đến những quốc gia khác để đầu tư cho ngành lương thực thực phẩm. Mỹ, Chile, Brazil, Nga, Ukraine, Bulgaria và Australia hiện đã có nhiều đối tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Một số nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm đến việc rót vốn để trồng rừng ở Tanzania, Senegal, Sierra Leonne, Zambia và một số quốc gia khác để thu hoạch ngô, lúa, sắn và mè. Sản phẩm sẽ được bán ở địa phương và một số đưa về Trung Quốc.

Vì ước mơ tiến nhanh, soán ngôi của những nền kinh tế lớn trên thế giới để trở thành cường quốc, Trung Quốc đã đốt cháy quá nhiều giai đoạn. Dù GDP vượt Nhật Bản để Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới nhưng nước này đã nhanh chóng phải đối diện với bài toán chất lượng môi trường xuống cấp ở mức báo động.

Dự kiến, Chính phủ Trung Quốc sẽ chi hơn hơn 280 tỷ USD cho công nghệ tiết kiệm năng lượng lượng từ tài khóa 2014. Tính chung trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc sẽ đầu tư 840 tỷ USD cho công tác bảo vệ môi trường. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh kiên quyết tuyên chiến với ô nhiễm môi trường như đã tuyên chiến với đói nghèo. Liệu kế hoạch này có quá trễ hay không?

THIÊN NHƯ (NYTimes, BCC)

www.phunuonline.com.vn

Trung Quốc, Trường Giang, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, đất sạch


© 2021 FAP
  407,177       2/582