Thế giới

Trung Quốc bảo vệ gấu trúc, bỏ mặc …thú hoang!

PN - Không còn nghi ngờ gì nữa, gấu trúc khổng lồ là một con thú “chính trị”. Nó là biểu tượng bảo tồn động vật hoang dã được toàn cầu công nhận, và theo các nhà phân tích, nó đã trở thành công cụ ngoại giao “đáng yêu” được Bắc Kinh sử dụng để làm mềm quan hệ với các nước khác.


Các sản phẩm ngà voi bất hợp pháp bị thu giữ ở Trung Quốc - Ảnh: CNN/Getty Images

Con vật ăn lá trúc được bảo vệ khỏi những kẻ săn trộm nhờ một chính phủ yêu thích động vật này lựa chọn nó để bảo vệ.

"Bảo tồn gấu trúc hoàn toàn không phải là một chỉ báo chính xác về công tác bảo vệ động vật hoang dã ở Trung Quốc", tiến sĩ Peter Li, chuyên gia của Hiệp hội Nhân đạo quốc tế ở Trung Quốc nói.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn trên chương trình “Nói về Trung Quốc” của kênh truyền hình Mỹ CNN mới đây, ông Li nói một số tiền "không nhỏ" đã được đầu tư cho việc bảo vệ gấu trúc của Trung Quốc, góp phần đẩy mạnh số lượng gấu trúc trong tự nhiên tăng khoảng 17% so với thập kỷ trước.

"Chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và nỗ lực vào việc bảo tồn gấu trúc”, bà Grace Ge Gabriel, Giám đốc khu vực Châu Á của Quỹ quốc tế về quyền lợi động vật (IFAW) xác nhận. "Nhưng có rất nhiều loài khác cũng cần bảo vệ, như tê tê (trút), cá heo sông, hổ và voi".

Trước đó, Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) từng đưa ra cảnh báo nếu nhu cầu bắt tê tê làm thực phẩm không giảm ở Trung Quốc và một số quốc gia khác, động vật này có thể sớm bị tuyệt chủng.

Liên quan đến hổ, các bộ phận của con vật này được săn lùng tại Trung Quốc để làm thuốc trung y. Theo Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 3.000 cá thể sống trong tự nhiên.

Cá heo nước ngọt của Trung Quốc, còn gọi là Baiji (cá heo sông Dương Tử), được tuyên bố tuyệt chủng gần một thập kỷ trước. Con vật này biến mất do bị đánh bắt quá mức, do ô nhiễm môi trường và không có các biện pháp bảo tồn thích đáng.

"Tôi nhìn vào một danh sách các loài vật bị đe dọa, và mười động vật đã được đưa ra khỏi danh sách," biên tập viên Financial Times Asia, ông David Pilling nói. "Đưa ra khỏi danh sách không phải chúng thoát nguy cơ tuyệt chủng, mà vì chúng đã biến mất”, ông nói.

Trung Quốc là nước tiêu thụ ngà voi lớn nhất thế giới, nhưng phần đông người tiêu dùng (70%) không biết ngà voi có nguồn gốc từ voi chết. Grace Ge Gabriel của IFAW nói rằng người ta nghĩ ngà voi, cũng như răng người, có thể rụng ra và con voi vẫn sống! Các cuộc thăm dò tương tự tiết lộ rằng 80% người tiêu dùng Trung Quốc sẽ từ chối mua ngà sau khi phát hiện sự thật.

Bất chấp lệnh cấm nhập khẩu ngà voi chạm khắc trong một năm, IFAW nói hàng chục nhà máy chạm khắc ngà voi và hơn một trăm cửa hàng bán lẻ công khai bán sản phẩm ngà voi bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Bước ngoặt trong việc bảo tồn động vật hoang dã ở Trung Quốc là vào năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cấm các món ăn vi cá mập tại các yến tiệc chính thức.

"Nếu có một quốc gia mà hành động của chính phủ có thể làm giảm việc buôn bán vi cá mập 75% trong một năm, đó sẽ là Trung Quốc”, bà Gabriel nói. Và nếu chính phủ Trung Quốc muốn, họ có thể biến nước này từ một “nhân vật phản diện” thành một “anh hùng” nếu họ áp dụng luật nghiêm khắc và cấm triệt để việc buôn bán các loài đang gặp nguy hiểm, phối hợp với thực thi pháp luật quyết liệt”, bà khẳng định.

Chỉ khi đó tê tê mới được quan tâm và bảo vệ như …gấu trúc.

HÒA NINH
(Theo CNN)
 

www.phunuonline.com.vn

Trung Quốc, gấu trúc, bảo vệ thú hoang dã, tuyệt chủng


© 2021 FAP
  352,722       25/2,193