PN - Nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp dường như tin vào mạng xã hội hơn cả cảnh sát và người thân. Mới đây, một bà mẹ người Malaysia đau lòng phát hiện rằng mình quá vô tâm, để đứa con gái chín tuổi phải âm thầm chịu đựng nỗi dày vò thân thể và tinh thần.
Một trong những cách thoát khỏi bi kịch là giãi bày. Fiona Elvines, thành viên điều hành tổ chức từ thiện “Rape Crisis” (Khủng hoảng vì bị cưỡng bức) nói rằng, chiến dịch chia sẻ trên Twitter (thông qua từ khóa #BeenRapedNeverReported) là một sáng kiến giúp giải phóng tinh thần những nữ nạn nhân của các vụ xâm phạm tình dục. Họ vốn e ngại dư luận, sợ sự soi mói, thiếu đồng cảm của nhà chức trách nên tự thu mình lại.
Daphne Simone đã gạt bỏ mọi mặc cảm để kể về câu chuyện đời mình - Ảnh: The Star
Thật bất ngờ khi có hàng ngàn chủ tài khoản đã để lại tâm sự trên Twitter, không ngần ngại chia sẻ về quá khứ khiến họ mặc cảm. Họ công khai góc khuất của đời mình để vạch trần tội ác. Có những người đã mạnh dạn để tên thật khi kể về cơn ác mộng cuộc đời.
Nhưng họ không đến đồn cảnh sát để tố cáo, vì không muốn nhận lấy những lời tra hỏi khó nghe, mang nặng định kiến. Những nạn nhân này cho rằng bị tấn công tình dục là điều sỉ nhục. Khi bị hại, không ít người trong số họ chỉ là những bé gái ngây thơ, chưa kịp dậy thì, vì thế, nỗi sợ hãi và mặc cảm khiến họ im lặng và chôn giấu câu chuyện.
Daphne Simone, 38 tuổi, sống ở Canada nhớ lại mình phải đắn đo thế nào khi viết về chuyện đã xảy ra. Trên trang Twitter, Daphne ghi: “Hắn đẩy tôi xuống ghế, quát vào mặt rằng tôi không thể từ chối vì tôi là bạn gái của hắn. Tôi đã khóc rất nhiều trong suốt thời gian dài và sống khép kín. Tôi giữ bí mật này rất lâu vì không muốn người thân và bạn bè nghĩ mình buông thả hoặc đáng thương”.
Một chủ tài khoản tên Michelle viết: “Bị cưỡng hiếp là nỗi ám ảnh, khiến tôi luôn bất an”. Một cô gái khác chia sẻ: “Cảnh sát nơi tôi sống đã quay lưng khi tôi trình báo. Họ cho rằng khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể gặp chuyện này”. Đa số những lời bộc bạch đều phơi bày sự thật đáng tiếc về công tác điều tra của cảnh sát: họ bị đổ lỗi cho say xỉn, không biết tự giữ mình. Ít ai chịu tin các nạn nhân.
Phụ nữ Ấn Độ không đơn độc trong cuộc chiến chống lại tội phạm cưỡng hiếp - Ảnh: Independent
Những ngày gần đây, tại Ấn Độ, quốc gia có nhiều vụ cưỡng hiếp gây chấn động thế giới, đã xuất hiện làn sóng gây chia rẽ từ bộ phim tài liệu India’s Daughter do nhà làm phim người Anh Leslee Udwin thực hiện. Nội dung gây tranh luận nhiều nhất là câu trả lời của một trong những kẻ tham gia vụ cưỡng hiếp tập thể nữ sinh viên y khoa trên xe buýt ở New Delhi hồi tháng 12/2014. Tên này đổ lỗi cho nạn nhân rằng cô đã ra ngoài lúc trời tối và mặc trang phục gây chú ý.
Bộ phim một mặt nói lên những điều tồn tại trong quan niệm của hàng triệu người Ấn Độ, một mặt tạo ra hố sâu mâu thuẫn trong xã hội nước này. Dù bị phản đối nhưng nhà làm phim Leslee Udwin vẫn bảo vệ tác phẩm của mình. Bà cho rằng, ngay cả khi phơi bày những suy nghĩ thầm kín và khắc nghiệt đối với phụ nữ, thì đó cũng là lời cảnh tỉnh, và các nạn nhân không cần phải “gánh gồng” nỗi mặc cảm dai dẳng trong suốt cuộc đời.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, cứ năm phụ nữ thì có một người phải đứng trước nguy cơ bị cưỡng hiếp hoặc bị nhắm làm đối tượng cho các hành vi đáng lên án. Fiona Elvines nhấn mạnh, mục đích của chiến dịch trên Twitter là truyền sức mạnh cho nạn nhân của các vụ cưỡng bức. Một cô gái có thể chưa đủ tự tin để viết ra câu chuyện của mình, nhưng khi đọc dòng chia sẻ của nhiều người khác, cô ấy sẽ không còn thấy mình đơn độc.
THIÊN NHƯ
(Theo Telegraph, The Star, Independent)
Ấn Độ, Twitter, cưỡng hiếp, bạo hành, cảnh sát, India's Daughter