PN - Sau khi bị chấn thương não do một tai nạn, chàng trai 25 tuổi người Đài Loan chỉ nhớ được những sự việc diễn ra trong vòng 24 giờ. Anh đã phải thích nghi với cuộc sống bằng cách ghi chép tất cả mọi việc diễn ra hàng ngày.
Chàng trai Chen Hongzi cùng quyển nhật ký thay thế cho trí nhớ của anh
Quyển sổ ghi chép mọi việc diễn ra trong ngày, để khi ngày mai đến, Hongzi có thể xem lại và biết anh phải làm gì tiếp theo
Đối với Chen Hongzi đến từ Bắc Phố, huyện Tân Trúc, Đài Loan, để nhớ lại một việc vừa xảy ra cách đó 5 phút cũng là điều khó khăn. Hàng ngày, anh phải ghi lại chi tiết từng sự việc xảy ra vào một cuốn sổ để ngày hôm sau xem lại.
Từ những người Hongzi gặp trên đường, đến thời tiết và công việc của ngày hôm ấy, tất cả đều được chàng trai 25 tuổi ghi lại.
Hongzi gặp một chấn thương não nghiêm trọng trong tai nạn giao thông vào năm 17 tuổi. Sau đó, anh phải trải qua nhiều tháng điều trị ở bệnh viện. Nhưng dù cơ thể đã bình phục hoàn toàn, trí nhớ của Hongzi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến anh thường quên mất những việc diễn ra trong khoảng từ 5 đến 10 phút.
Vì không thể đi học và nhớ được Hán tự, đa phần những thông tin trong quyển sổ được ghi sơ sài và chỉ để mình anh hiểu
Tai nạn giao thông vào năm 17 tuổi đã khiến chàng trai người Đài Loan bị tổn thương não nghiêm trọng và mất đi trí nhớ ngắn hạn
Theo các chuyên gia giải thích, não bộ có hai vùng là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Hàng ngày khi đi ngủ, thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sẽ được chuyển sang lưu trữ tại vùng dài hạn. Do vậy, trong một số vụ tai nạn khiến não bị tổn thương, một trong hai vùng trí nhớ có thể bị tổn hại, gây nên chứng mất trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn. Còn ở Hongzi, chính vùng liên kết giữa hai miền trí nhớ đã bị tổn hại, khiến cho anh quên sạch mọi thứ đã diễn ra vào ngày hôm đó trong lúc ngủ.
Tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn cũng có nghĩa là Hongzi không thể nhớ cách viết đúng Hán tự, vì vậy anh ghi chú một cách “nguệch ngoạc” các từ mà chủ yếu chỉ để anh hiểu.
“Đây là cuốn nhật ký tôi viết hàng ngày. Khi trời đổ mưa hay nếu tôi không đi ra ngoài để làm cỏ được, tôi vẫn chỉ viết ‘Mưa’,” anh nói. “Mỗi khi về nhà, tôi đều nhanh chóng lấy quyển sổ ra và viết lại những điều quan trọng trong ngày: những người tôi đã gặp, những gì tôi đã làm, tôi đã nhận được bao nhiêu tiền từ chai nhựa tái chế mà tôi nhặt được…”
Hongzi sống cùng với mẹ, họ kiếm tiền bằng nghề nhặt vỏ chai, và anh cũng giúp đỡ thêm bằng cách nhặt củi khô về nhóm lửa
Mỗi ngày khi Hongzi tỉnh dậy, mẹ của anh, Wang Miao-Chiong, phải nhắc nhở Hongzi rằng anh không còn là chàng trai 17 tuổi và đã tám năm đã trôi qua kể từ khi anh bị tai nạn.
Bà trao cho anh quyển sổ tay để anh có thể đọc những gì đã xảy ra trong cuộc sống của mình kể từ khi xảy ra tai nạn và kiểm tra các chi tiết quan trọng như những người bạn anh đang có và những gì cần phải được thực hiện trong ngày hôm đó.
Tình trạng của Hongzi khiến anh không thể đi học hay có việc làm ổn định mà phải kiếm sống bằng cách thu gom chai nhựa. Ngoài ra, anh còn nhặt gỗ để nhóm lửa nấu thức ăn và sưởi ấm.
Bà Wang và những người trong làng đều lo lắng cho cuộc sống của Hongzi về sau. Họ hy vọng anh sẽ được một tổ chức y tế giúp đỡ trong việc phục hồi khả năng trí nhớ
Mẹ anh, nay đã 60 tuổi, cho biết bà rất lo lắng về tương lai của anh sau khi bà qua đời, đặc biệt là khi ba của Hongzi vừa mất cách đây không lâu.
Cuộc sống của hai mẹ con còn phụ thuộc vào sự đóng góp từ láng giềng và bạn bè trong ngôi làng nhỏ. Tại đây, người dân đã đặt cho Chen biệt danh là ‘người đàn ông có trí nhớ ngắn’ vì cậu luôn quên việc đã gặp họ chỉ sau 24 giờ.
Hàng ngày, hai người phải nương tựa vào nhau mà sống. Bà Wang luôn ở cạnh để trấn an anh về hiện tại, và đến lượt Hongzi, dùng sức mạnh thể chất để kiếm tiền và thực hiện các công việc trong gia đình.
Một người khách du lịch đã gặp Hongzi khi anh đang nhặt vỏ chai và bị cuốn hút bởi cuộc sống của anh. Người này đã đem câu chuyện về anh đăng tải lên phương tiện truyền thông xã hội, tin tức từ đó nhanh chóng lan rộng.
Trưởng thôn, Liu Chin-ting cho biết gia đình nhận được hỗ trợ hàng tháng từ cơ quan phúc lợi xã hội Tân Trúc và ông tin rằng chàng trai vẫn có thể có một tương lai tươi sáng nếu được một cơ sở y tế giúp đỡ trong việc điều trị.
Hiện có rất nhiều nhà hảo tâm muốn gửi tiền đến cho hai mẹ con. Nhưng dù có quên đi mọi ký ức, khi đọc lại những ghi chép về đóng góp của mọi người, Hongzi luôn cảm thấy hạnh phúc và thường đùa rằng: “Tôi ghi lại tất cả thông tin về những người muốn giúp đỡ, nhưng tôi khuyên họ đừng cho tôi quá nhiều tiền, vì rất có thể tôi sẽ quên mất mình để chúng ở đâu”.
TẤN VĨ
(Theo Daily Mail)
Chen Hongzi, nhật ký, người đàn ông, trí nhớ ngắn, ký ức