PN - Hai ngày liền 10 và 11/1, nước Pháp biểu thị sức mạnh của sự đoàn kết, người dân Pháp xích lại gần nhau hơn sau các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng,
Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng các nhà lãnh đạo thế giới tuần hành phản đối khủng bố và biểu thị sự đoàn kết quốc tế ở Paris (Pháp) - Ảnh: AFP, BBC
Ngày 10/1, 700.000 người đã xuống đường tại các thành phố lớn trên toàn nước Pháp, biểu tình phản đối bạo lực và tưởng niệm 17 nạn nhân thiệt mạng do bị tấn công tấn công khủng bố, bắt đầu từ vụ giết 12 người tại tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo, tiếp theo là vụ bắn bốn con tin tại một cửa hàng tạp hóa Do Thái ở phía Đông Paris và vụ bắn một nữ cảnh sát tuần tra. Các cuộc biểu tình diễn ra tại tất cả thành phố lớn, trong đó Toulouse tập trung đến 120.000 người. “Trận chiến thực sự là để bảo vệ quyền tự do tư tưởng”, bà Yamina (40 tuổi) rơm rớm nước mắt thổ lộ tại một cuộc mít tinh ở phía Nam thành phố Marseille, nơi người biểu tình mang biểu ngữ “Không sợ hãi!”.
Tuy nhiên, cuộc xuống đường khổng lồ, ước tính số người tham gia “lên đến hàng triệu người”, vào lúc 3g chiều 11/1 (9g tối giờ Việt Nam) tại Paris càng biểu thị mạnh mẽ hơn việc thế giới sát cánh cùng nhân dân Pháp. Bên cạnh Tổng thống Pháp còn có 40 nhà lãnh đạo các nước châu Âu và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu...
Người Pháp tuần hành đoàn kết, chống khủng bố và phân biệt chủng tộc - ẢNH: EPA, AFP
An ninh vẫn được duy trì ở mức cao nhất tại Pháp, trong lúc các nhà điều tra cố gắng lần theo dấu vết bạn gái của Amedy Coulibaly, tay súng đã bắn bốn con tin tại cửa hàng của người Do Thái. Đó là một nữ chiến binh “có vũ trang và nguy hiểm”. Các nguồn tin an ninh tiết lộ, Hayat Boumeddiene, 26 tuổi, nghi can đang bị truy nã, thực tế không có mặt tại Pháp vào thời điểm nổ ra các vụ tấn công khủng bố. Một nguồn tin tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ nói với AFP, Boumeddiene đã nhập cảnh nước này ngày 2/1, sau đó vượt biên vào Syria.
Một thành viên thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại Yemen ngày 10/1 tuyên bố, Al-Qaeda Yemen đứng sau vụ thảm sát 12 người tại tòa soạn báo Charlie Hebdo, nhằm trả thù cho nhà tiên tri Mohammed cùng những tên tuổi Hồi giáo bị đưa ra giễu cợt. Tuyên bố như lời thách thức từ một trong những lực lượng của chủ nghĩa khủng bố mới.
Al-Qeada, hay IS, về bản chất đều nhắm đến các mục tiêu ở phương Tây và đe dọa hòa bình thế giới. Những kẻ tấn công nước Pháp lần này hầu hết có quan hệ đến các thế lực khủng bố, có tên trực tiếp đến Syria để được huấn luyện cách tàn sát đồng bào mình. Ngón đòn mới của IS, huấn luyện các tay súng xuất thân là công dân phương Tây, sau đó để những tên mù quáng này trở lại đất nước mình (nhất là các quốc gia có đông người Hồi giáo như Pháp, Anh, Tây Ban Nha), tạo chân rết và chờ thời cơ tiến hành hoạt động khủng bố. Điều này đặt các quốc gia phương Tây trong tình trạng báo động thường xuyên.
Anh, Tây Ban Nha cũng nâng mức báo động khủng bố sau các vụ tấn công ở Pháp. Nhưng không chỉ một mình nước Pháp lâm nguy, hoặc chỉ riêng châu Âu đang “căng như dây đàn” mà dã tâm của các lực lượng khủng bố là mối họa lâu dài của nhân loại, đòi hỏi bất cứ ai và quốc gia nào yêu chuộng hòa bình đều cần liên kết để đáp trả kịp thời.
CẨM HÀ (Theo AFP, AP, Reuters)
Báo Đức bị tấn công vì in lại biếm họa của Charlie Hebdo Sáng Chủ nhật (11/1), tòa soạn báo Hamburger Morgenpost ở Hamburg (Đức) đã bị ném đá và các vật thể cháy vào cửa sổ sau khi in lại các biếm họa của tuần báo châm biếm Pháp Charlie Hebdo. Vụ việc bị dập tắt nhanh, nhưng cũng làm hư hại hai tầng dưới của tòa soạn, không có người thương vong. Hai nghi phạm đã bị bắt. |
Pháp, tuần hành, phản đối khủng bố, đoàn kết