Thế giới

Nỗ lực của chính phủ Anh trước ngày trưng cầu dân ý 18/9 tại Scotland

PNO -Trong những nỗ lực cuối cùng, Thủ tướng Anh David Cameron khẩn thiết kêu gọi người dân Scotland bỏ phiếu phản đối việc tách khỏi vương quốc Anh.

 

Ba nhà lãnh đạo của các chính đảng tại Anh (từ trái sang): Ed Miliband, David Cameron và Nick Clegg

Vào ngày 16/9 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo ba chính đảng tại Anh gồm: David Cameron (Đảng Bảo thủ) Ed Miliband (Công Đảng) và Nick Clegg (Đảng Dân chủ Tự do) cùng đồng thanh kêu gọi người dân Scotland nói "không" tại cuộc trưng cầu dân ý. Họ đã thống nhất một thỏa thuận gồm nhiều điều khoản nhượng bộ dành cho Scotland.

Thứ nhất, Chính phủ Anh và ba chính đảng sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho Quốc hội Scotland .

Thứ nhì, các nhà lãnh đạo đều đồng ý, Khối Liên hiệp Anh tồn tại để bảo đảm những cơ hội phát triển và sự an toàn giữa các thành viên, trên cơ sở chia sẻ nguồn tài nguyên một cách bình đẳng.

Thứ ba, sau việc phân bổ ngân sách theo công thức Barnett và trao quyền lực cho Quốc hội Scotland, quyết định tài trợ cho các chương trình chăm sóc y tế hoàn toàn do Quốc hội Scotland tự quyết.

Công thức Barnett phân bổ ngân sách dựa trên tỷ lệ dân số tại khu vực, với cách phân chia này, dòng tiền sẽ đổ về Scotland nhiều hơn. Lời đề nghị nhượng bộ này của các nhà lãnh đạo chính phủ Anh có thể gây nên làn sóng phản đối từ người dân tại các khu vực khác trong Khối Liên hiệp Anh.

Trước đó, Ngày 15/9, Thủ tướng Anh David Cameron đã thực hiện chuyến đi thứ 10 trong chiến dịch đến Scotland và gửi một bài phát biểu đầy cảm xúc đến những người ủng hộ Đảng Bảo thủ ở thành phố Aberdeen, Đông Bắc Scotland.

Trong đó ông nhấn mạnh: “Nếu các bạn không thích thôi, tôi sẽ không ở đây mãi mãi. Nếu các bạn không thích chính phủ hiện tại, nó cũng không tồn tại mãi mãi. Nhưng nếu các bạn chọn cách tác khỏi vương quốc Anh, điều đó sẽ là mãi mãi…Chúng tôi muốn các bạn ở lại, bằng tất cả tâm trí, trái tim và linh hồn…Đối với Scotland, hành động tách biệt này cũng giống như việc bạn đã vất vả xây dựng một ngôi nhà đẹp đẽ, sau đó bước ra ngoài và ném chìa khóa đi”.

Thủ tướng David Cameron không kìm được cảm xúc khi nói về nguy cơ tan vỡ của "đại gia đình" Khối Liên hiệp Anh - Ảnh: EPA

Trong cùng một động thái, ông cũng phát biểu tại thành phố Edinburgh rằng đây sẽ là trách nhiệm nặng nề của ông đối với sự chia rẽ của khối liên minh 300 năm tuổi này. Việc Scotland muốn tách khỏi vương quốc Anh không chỉ như một cuộc ly thân tạm thời mà sẽ là một cuộc ly hôn đau đớn cho đại gia đình Khối Liên hiệp Anh.

Hiện tại theo những cuộc khảo sát từ tờ Telegraph, số người bỏ phiếu tán thành việc Scotland tách khỏi vương quốc Anh hiện đang thấp hơn số người bỏ phiếu chống chỉ khoảng 3-4% (với 48% nói Không, 44% nói Có và 8% chưa quyết định).

Với tỷ lệ này, người ta cho rằng, động thái từ nhà chính phủ Anh có thể sẽ thay đổi cán cân quyết định số phận tương lai của Scotland.

Nếu tách ra khỏi Khối Liên hiệp Anh, Scotland có thể tự chủ về thuế và tài chính, cải thiện các vấn đề việc làm và y tế, giảm làn sóng di dân khoảng 40.000 người mỗi năm từ Scotland xuống miền nam nuớc Anh.

Đổi lại, Scotland có thể sẽ mất đi quyền sử dụng đồng bảng Anh, trở thành con nợ trực tiếp của nhiều ngân hàng trên thế giới, nguy cơ đối mặt với sự cô lập từ Liên minh châu Âu, việc đi lại giữa biên giới Anh – Scotland sẽ gặp nhiều khó khăn.

BẢO TÙNG (Theo Telegraph, Daily Mail, BBC)

www.phunuonline.com.vn

David Cameron, Scotland, Anh, EU, trưng cầu dân ý


© 2021 FAP
  409,259       37/1,006