PNO – Chỉ vì cả gan đến sân vận động ở Iran xem bóng chày, Ghoncheh Ghavami (25 tuổi) bị biệt giam gần ba tháng nay.
Cuối tháng Sáu vừa qua, cô Ghavami, người mang hai quốc tịch Anh và Iran. đã đến sân vận động Azadi cùng một số bạn nam để theo dõi trận thi đấu bóng chày của tuyển Iran và Italia.
Điều bất thường là từ sau hôm ấy, cô Ghavami không còn được gặp người thân và bạn bè của mình. Cô bị biệt giam tại Evin, nhà tù khét tiếng của Iran.
Ghoncheh Ghavami - Ảnh: Guardian
Khi Ghoncheh Ghavami đến sân vận động, cô đã cùng một số người bạn của mình kêu gọi cho phép phụ nữ vào xem thi đấu thể thao. Cô cho rằng mình sẽ thuyết phục được lực lượng an ninh tại sân vận động vì tin tưởng vào lời cam kết của Tổng thống Hassan Rouhani là sớm xóa bỏ khoảng cách về bất đình đẳng nam nữ. Ghoncheh Ghavami bị bắt giữ trong vài giờ. Sau khi được thả ra, cô quay lại bên ngoài sân vận động để tìm điện thoại bị thất lạc. Không may cho cô, chính lúc ấy cô bị bắt giữ trở lại, và cho đến nay vẫn chưa được trả tự do.
Chính quyền Iran không chấp nhận hình thức hai quốc tịch và vẫn chỉ công nhận quốc tịch Iran cho công dân dù người đó đã đăng ký hai quốc tịch. Vì thế, chính quyền Anh khó có thể can thiệp vào trường hợp của Ghoncheh Ghavami.
Shiva Nazar Ahari, một trong những người đứng về phía Ghoncheh Ghavami để ủng hộ việc cho phụ nữ vào sân vận động đã chia sẻ trên Facebook của mình: “Chúng tôi chỉ muốn cùng vào sân vận động để cổ vũ đội nhà. Điều đó quá đơn giản nhưng vẫn không được đồng ý”.
Mahmoud Alizadeh Tabatabaee, luật sư của Ghavami cho biết, Ghavami vẫn đang trong vòng thẩm vấn và ông không được tiếp xúc với cô nên không biết chính xác tình hình thân chủ của mình như thế nào.
Nhiều năm nay, số phụ nữ Iran đấu tranh giành quyền bình đẳng được đến sân vận động liên tục xuất hiện. Tháng 6/2011, nữ nhiếp ảnh gia Maryam Majd bị chính quyền Iran bắt giữ trước khi lên máy bay rời khỏi nước này vì cô đã phát động chiến dịch kêu gọi cho phép phụ nữ được tự do vào sân vận động như nam giới. Tháng Năm vừa qua, bà Roya Saberinejad Nobakht (47 tuổi), cũng có hai quốc tịch Anh và Iran đã bị phạt tù 20 năm sau khi đưa ra những bình luận về vấn đề này trên mạng xã hội.
THIÊN ANH (Theo Guardian)
Ghoncheh Ghavami, Iran, bất bình đẳng giới, Tổng thống Hassan Rouhani, bóng chày, cấm phụ nữ vào sân vận động