PNO - Hồng Kông sẽ cấm bán các sản phẩm làm từ mỡ hoặc dầu ăn nhập từ Chang Guann, một công ty Đài Loan bị buộc tội bán “dầu ăn bẩn” đang ở tâm điểm của vụ bê bối an toàn thực phẩm gây chấn động khu vực.
Cục trưởng Vệ sinh thực phẩm và môi trường Hồng Kông Vivian Lee Lau-kwan cho biết một lệnh của tòa án sẽ dẫn đến việc cấm toàn bộ 25 nhãn hiệu dầu và mỡ lợn của Chang Guann - Ảnh: EPA
Chính quyền Hồng Kông sẽ công bố một danh sách các sản phẩm bị cấm, để tiến hành tịch thu và tiêu hủy. Tuyên bố của đặc khu Hồng Kông được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Đài Loan mở rộng lệnh cấm đối với tất cả các loại dầu ăn được Chang Guann cung cấp, cũng như các sản phẩm sử dụng “dầu bẩn”.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (FDA) đã soạn thảo một danh sách sơ bộ của 249 sản phẩm, trong đó có mì ăn liền, bánh quy giòn, bánh mì ngọt và bánh bao, không được phép bán. Mười bốn sản phẩm trong số này đã được bán tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau.
Ba người đã bị bắt vì tội gian lận khi cảnh sát Hồng Kông điều tra việc công ty thương mại Globalway bán mỡ lợn nước, vốn chỉ được dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi và dùng trong công nghiệp, cho công ty Chang Guann của Đài Loan, với nhãn hàng “phù hợp dùng cho người”. Nhà chức trách Đài Loan cho biết Chang Guann đã pha trộn một số mỡ nước này (mỡ lợn) với "dầu cống rãnh" tái chế từ chất thải thực phẩm và các cơ sở thuộc da thành dầu ăn thông thường.
Cục trưởng Cục Vệ sinh thực phẩm và môi trường Hồng Kông Vivian Lee Lau-kwan cho biết một lệnh của tòa án sẽ dẫn đến việc cấm toàn bộ 25 nhãn hiệu dầu và mỡ lợn của Chang Guann “trong vài ngày tới”, và người vi phạm sẽ phải đối mặt với một năm tù và nộp 100.000 đô la Hồng Kông (12.900 USD) tiền phạt.
Ít nhất sáu công ty tại đặc khu đã nhập khẩu dầu ăn của Chang Guann, trong đó có Globalway. "Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm không sử dụng những loại dầu này, và tiêu hủy tất cả các sản phẩm mua của Chang Guann”, bà Lau nói.
Chiang Yu-mei, Phó Tổng giám đốc FDA của Đài Loan, cho biết cửa hàng nào vẫn bán các sản phẩm bị cấm có thể bị phạt đến 3 triệu tân Đài tệ (99.837 USD).
Vụ bê bối “dầu bẩn” đã ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp thực phẩm tại Đài Loan. "Trước đây người ta xếp hàng dài để mua món gà rán của chúng tôi, bây giờ thì vắng ngắt, mặc dù chúng tôi chỉ sử dụng dầu đậu nành, không bao giờ dùng mỡ lợn”, một tiệm bán hàng tại chợ đêm Shihlin ở Đài Bắc cho biết.
Hơn 1.000 công ty được cho là đã bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối này, trong đó có Starbucks, 7-Eleven và Tập đoàn Maxim ở Hồng Kông.
QUẾ LÂM (Theo SCMP)
Đài Loan dầu bẩn, Chang Guann, Hồng Kông