Thế giới

Phụ nữ Nhật uống rượu nhiều hơn

PN - Yumiko Miyata bắt đầu uống rượu khi mới 15 tuổi. Lúc đó, Miyata khá nhút nhát nên nghĩ rằng rượu sẽ giúp mình dạn dĩ hơn, nhờ thế sẽ dễ kết bạn hơn.

“Ban đầu tôi cho rằng uống rượu mang lại sự vui vẻ. Về sau, mỗi khi chịu sức ép về bất cứ vấn đề gì, tôi lại nhờ đến rượu. Khi dùng rượu như một cách giải quyết khó khăn trong cuộc sống thì không ai kiểm soát được cách uống và uống bao nhiêu là vừa”, Miyata thú nhận.

Miyata lập gia đình khi vừa hơn 20 tuổi và có hai con, nhưng không thể ngưng uống rượu, dù mang thai hay cho con bú. Bây giờ, đã hơn 60 tuổi, bà Miyata nhìn lại tuổi trẻ của mình với nỗi kinh hoàng: “Tôi thấy mình thật tồi tệ vào thời gian đó”.

Miyata chỉ là một trong hàng vạn phụ nữ (PN) Nhật lâm vào cảnh nghiện rượu. Điều tệ hơn nữa là ngày càng có nhiều PN Nhật nghiện rượu. Theo một cuộc nghiên cứu về lối sống của PN Nhật hiện đại năm 2013, hơn 140.000 PN Nhật thừa nhận nghiện rượu, cao gấp đôi thống kê hồi năm 2003.

Susumu Higuchi, Giám đốc Trung tâm y tế và cai nghiện Kurihama ở thành phố Kanagawa, cho rằng việc tăng số PN nghiện rượu là do ngày càng có nhiều PN Nhật làm việc ở các công sở và xí nghiệp. Nói một cách đơn giản, PN Nhật hiện nay có điều kiện và lý do để uống rượu bên ngoài nhiều hơn.

Phụ nữ uống rượu có nguy cơ đột quỵ cao gấp hai-ba lần so với đàn ông - Ảnh: AFP/Getty Images

Thêm vào đó, các hãng bia rượu đã xem PN là đối tượng quan trọng trong chiến lược kinh doanh. “Muốn tăng thị phần, chúng tôi không thể quên giới nữ”, giám đốc một thương hiệu bia nổi tiếng ở Nhật thừa nhận. Đó là lý do bia và các loại rượu trở thành món hàng không thể thiếu ở các cửa hàng hoạt động 24/24 giờ trên khắp nước Nhật. Các quảng cáo bia rượu trên truyền hình cũng bắt đầu tập trung vào PN.

Rượu bia được chấp nhận là một phần không thể thiếu trong đời sống ở Nhật. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đó là nét văn hóa đặc trưng của nước này. Một PN không thể từ chối lời mời đi uống rượu cùng đồng nghiệp sau khi tan sở, nhất là khi cuộc rượu đó có mặt sếp. Nhiều người cho rằng, “nếu mãi từ chối lời mời uống rượu sau khi tan sở có nghĩa là tự đánh mất mọi cơ hội thăng tiến”. Ngược lại, tham gia các cuộc rượu cùng đồng nghiệp sau giờ tan sở được xem như biểu hiện của sự gắn bó với nơi đang làm việc.

Phụ nữ Nhật uống rượu cùng đồng nghiệp sau khi tan sở - Ảnh: Kyodo

Nhiều chuyên gia sức khỏe đã lên tiếng cảnh báo về tệ rượu bia của PN Nhật. Một nghiên cứu của Đại học Osaka cho biết, PN uống rượu có nguy cơ đột quỵ cao gấp hai-ba lần so với đàn ông. Một nhà nghiên cứu Nhật nói: “Nhiều PN Nhật bây giờ đánh đổi sức khỏe lấy cơ hội thăng tiến nơi làm việc”.

Bà Miyata đã đau khổ vì rượu trong suốt 28 năm. Bà phải nhập viện năm lần và luôn thất bại trong mọi nỗ lực cai rượu, vì mỗi lần cai nghiện là bà lại không thở được. Người chồng đã từ bỏ bà và để lại hai đứa con nhỏ vì không thể chịu đựng một người vợ nghiện ngập. Nhờ có con, bà Miyata quyết tâm làm lại cuộc đời. Bà giải thích: “Tôi đã từ bỏ thiên chức làm mẹ vì nghiện rượu. Tôi không thể cho các con mình tình thương và sự chăm sóc cần thiết, chỉ vì mọi thứ tôi nghĩ đến lúc đó chỉ là rượu. Đến khi chồng bỏ đi, tôi mới nhận ra điều gì là quý giá nhất. Tôi không thể mất các con, vì thế tôi can đảm cai rượu và tìm lại chính mình”.

Bà Miyata hiện là một trong những người lãnh đạo phong trào “Phụ nữ không uống rượu” ở tỉnh Chiba. Cứ vài tuần, bà Miyata lại cùng một số PN từng nghiện rượu tổ chức các cuộc nói chuyện với giới trẻ về những trải nghiệm của người nghiện rượu.

 THIỆN NGA (Theo The Japan Times)

www.phunuonline.com.vn

Nhật Bản, phụ nữ, nghiện rượu, công sở, việc làm, đột quỵ


© 2021 FAP
  651,077       1/828