PN - Đầu năm nay, tại Anh có khoảng 600.000 người rời bỏ Facebook, nhưng vẫn có 1,23 tỷ người sử dụng Facebook hàng tháng.
Đầu năm nay, tại Anh có khoảng 600.000 người rời bỏ Facebook, nhưng vẫn có 1,23 tỷ người trên thế giới sử dụng mạng xã hội này hàng tháng - Ảnh: Skinflint
Đến năm 2014, Facebook được 10 tuổi. Mạng xã hội (MXH) này hiện có giá trị 135 tỷ USD, với lợi nhuận trong năm 2013 là 1,5 tỷ USD. Hiện có 1,23 tỷ người sử dụng Facebook hàng tháng và 757 triệu người sử dụng hàng ngày.
Từ khi ra đời, không ai phủ nhận lợi ích trước mắt của Facebook và các MXH nói chung. Với ông bà Jane và Martin Smith ở Milton Keynes (Anh), việc theo dõi thường xuyên hình ảnh của các cháu nội khi gia đình con trai ông bà sang Úc sinh sống là một trong những tiện ích mà ông bà luôn biết ơn người sáng lập ra MXH phổ biến này.
Cùng sự phát triển của Facebook, các MXH khác như Twitter, MySpace cũng góp phần vào nhịp độ phát triển của thế giới, thu nhỏ khoảng cách giữa con người dù là ảo, đưa thông tin đến khắp nơi chỉ trong tích tắc... Thế nhưng, sự phát triển bao giờ cũng có hai mặt của nó.
Việc gặp gỡ trực tiếp, hoặc trò chuyện qua điện thoại sẽ khiến người ta hạnh phúc hơn là chìm đắm trong thế giới ảo
Các nhà khoa học ở Ý vừa có cuộc khảo cứu từ 50.000 người trong 24.000 hộ dân tại Ý sử dụng Internet cũng như MXH và mức độ hạnh phúc, tự tin của họ. Kết quả điều tra cho thấy, MXH làm tăng các hành vi xúc phạm và lời lẽ hiềm khích, có thể gây hại cho cuộc sống tinh thần. Ngày càng có nhiều vụ thanh thiếu niên chửi mắng nhau trên mạng, dẫn đến những vụ tự tử hay giết hại lẫn nhau trong đời thường.
Các nghiên cứu khác đã củng cố thêm cho các dữ kiện, rằng MXH làm giảm chỉ số hạnh phúc và sự hài lòng vào cuộc sống của người tham gia. Chẳng hạn, kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Thư viện thông tin khoa học ONE vào tháng 8/2013 cho thấy, sử dụng Facebook càng nhiều thì càng kém hạnh phúc. Tiến sĩ Ethan Kross, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ), cho biết: “Về hình thức, Facebook cung cấp nguồn tài nguyên vô giá, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người để kết nối với xã hội. Nhưng thay vì nâng cao hạnh phúc, chúng tôi thấy việc sử dụng Facebook dự báo kết quả ngược lại - nó sẽ làm suy giảm hạnh phúc”. Các nhà khoa học phát hiện khi người ta dành nhiều thời gian hơn cho Facebook trong vòng hai tuần thì sau đó tâm trạng tồi tệ hơn. Ngược lại, nói chuyện với bạn bè qua điện thoại hoặc trực tiếp gặp họ sẽ khiến cho người ta hạnh phúc hơn.
Người ta rời bỏ Facebook vì không muốn một cuộc sống như đã "vẽ" ra trên mạng
Hai năm trước, Theo Merz, một sinh viên mới ra trường, vào mạng từ sáng sớm đến suốt đêm, nhất là dịp cuối tuần. Anh từng nghĩ Facebook sẽ gắn bó mãi mãi trong cuộc sống của mình. Nhưng tháng trước, một người bạn thân thuở đại học của Theo, từng nghiện Facebook nặng đã quyết định... bỏ Facebook. Vài năm trước, cô bạn này liên tục cho đăng tải các dự án nghệ thuật của mình và hình ảnh cá nhân trên Facebook. Nay cô đã nhận ra, trang mạng này ngày càng có vẻ khoe khoang, khoác lác và khó chịu. Theo chân cô, một vài người bạn khác cũng lần lượt rút khỏi Facebook. Họ giải thích: “Facebook làm tôi cảm thấy buồn, dù tôi biết chắc những thông tin trên hồ sơ của người này hay người kia không hoàn toàn chính xác. Nhưng chủ yếu là tôi không muốn một cuộc sống mà tôi đã vẽ trên Facebook theo cách nhìn của nhiều người trên mạng, nhất là phần lớn trong số ấy tôi cũng chẳng biết họ là ai”.
Đầu năm nay, người ta ước tính có khoảng 600.000 người bỏ Facebook tại Anh. Bạn bè của Theo cũng sử dụng mạng này ngày càng ít, đơn giản là họ không còn thấy vui hay không còn có nhu cầu bày tỏ cảm xúc hay cập nhật cuộc sống của họ cho 5.000 người không thân quen. Họ nhận ra Facebook cũng chỉ là trang mạng lợi dụng cảm xúc của người sử dụng.
Vài năm trước, những người trẻ như Theo sẽ hết sức ngạc nhiên khi biết một trong số họ không có tài khoản Facebook. Giờ nếu biết thì họ cũng không buồn có nhận xét gì về điều này. Theo cho biết, anh chạy theo bạn bè khi gia nhập Facebook, và cũng theo bạn bè anh tạm biệt trang mạng này.
PHAN QUỲNH DAO (Theo Telegraph)
Facebook, mạng xã hội, mặt trái, thế giới ảo