PN - Cô Kelly Gunderson (sống ở bang Georgia, Mỹ) thật sự sửng sốt khi người mẹ Daphne Tresher (87 tuổi) gọi tên con gái sau hơn 10 năm mất trí vì chứng Alzheimer.
Kelly kể: “Mẹ chỉ tạm thời quên tôi, còn tình yêu của tôi dành cho mẹ vẫn đầy ắp. Tôi dành thời gian trò chuyện cùng mẹ không phải cố gắng làm cho mẹ nhớ lại mà chỉ vì tôi muốn bên cạnh mẹ. Ngày còn nhỏ, mẹ thường ôm tôi, cả hai nói đủ chuyện trên đời. Giờ cũng như thế. Mẹ nhớ tôi hay không thì chúng tôi vẫn trò chuyện vui vẻ. Phần lớn là tôi nói vì chứng Alzheimer khiến mẹ khó nói từng từ rõ ràng”.
Kelly Gunderson (phải) và mẹ
Các chuyên gia về Alzheimer khi xem được đoạn ghi hình trên đã không giấu được sự xúc động. Bác sĩ Lisa Genova chuyên nghiên cứu về thần kinh học, tác giả quyển tiểu thuyết nổi tiếng về nữ nhân vật chính bị Alzheimer Still Alice cho rằng đây là điều kỳ diệu đến từ tình yêu thương. Cô nói: “Chứng Alzheimer cướp đi trí nhớ về những gì đã qua cũng như những điều giúp người ấy nhận ra mình là ai. Nhưng may mắn là nó không tước đoạt khả năng cảm nhận tình thương và đáp lại tình yêu thương ấy. Người bệnh Alzheimer từ trong đáy lòng vẫn còn lưu giữ tình cảm dành cho người thân. Có những khoảnh khắc, họ kết nối với người thân rất rõ ràng. Chỉ cần đủ cảm xúc, bệnh nhân Alzheimer sẽ bắt được kết nối với bạn”.
Lachlan hai tuổi là một cậu bé luôn vui vẻ và tươi cười Ảnh: Facebook
Không có sự ngắt quãng trí nhớ như tình mẫu tử của Kelly, câu chuyện về tình thân gia đình cậu bé hai tuổi người Australia Lachlan cũng làm “tan chảy” bao trái tim. Lần đầu tiên, vợ chồng Michelle và Toby Lever chia sẻ hình ảnh nụ cười của Lachlan khi cậu bé được bảy tuần tuổi. Sinh con ra với chứng điếc bẩm sinh, điều mà vợ chồng Lachlan mong muốn nhất là được nhìn thấy con phản ứng lại trước những câu nói, trò vui mà họ nỗ lực lặp lại hàng ngày. Ánh mắt ngây thơ của Lachlan đã khiến Michelle nhiều lần nghẹn lòng. Chị chia sẻ: “Khi biết thính giác con không được bình thường, tôi thấy mọi thứ như sụp đổ. Tôi luôn mong có thể trò chuyện và con ê a đáp lại giọng nói mình”. Khi Lachlan được bảy tuần tuổi, họ quyết định đặt tai nghe trợ thính cho con. Thật bất ngờ, ngay sau khi có tai nghe, Lachlan đã tặng cho bố mẹ nụ cười đầu tiên. Chị Michelle đã òa khóc. Ắt hẳn trong suốt bảy tuần đầu đời, Lachlan đã nhìn thấy nét mặt, cảm nhận được hơi ấm của bố mẹ nên khi được trang bị tai nghe, bé có thể chia sẻ dễ dàng những cảm nhận đầu tiên của mình.
Michelle nói: “Bây giờ, Lachlan rất háo hức khám phá âm thanh mới, nhất là giai điệu của những bản nhạc”. Hai chị gái Chloe (chín tuổi) và Jessica (sáu tuổi) rất yêu em trai Lachlan của mình. Nhờ tình thương và sự gần gũi của người thân mà khả năng ngôn ngữ của Lachlan phát triển nhanh hơn các trẻ bằng tuổi. Mỗi khi tháo tai nghe, em vẫn có thể sinh hoạt tốt, các giác quan còn lại hoạt động bình thường. Anh Toby kể: “Chúng tôi tin, điều quan trọng là tạo tâm lý thoải mái và có sự quan tâm của gia đình. Chúng tôi sẽ dạy con đừng mặc cảm vì khiếm khuyết và hãy xem đó là một phần của cơ thể để có thể chung sống dễ dàng”.
THIÊN ANH (Theo Daily Mail, USA Today)
Kelly Gunderson, Lachlan, Daphne Tresher, Alzheimer, gia đình, yêu thương, kết nối