Thế giới

Nỗi niềm đắng cay

PNCN - Từ năm 2008 đến nay, sinh suất (tổng số sinh tính trên 1.000 dân mỗi năm) ở Mỹ liên tục giảm. Trong năm 2013, chỉ số đó là 1,86 trong khi năm 2012 là 1,88 và năm 2011 là 1,89.

Melissa ngày càng lo sợ mình không còn khả năng sinh con - Ảnh: Washington Post

Rick Myrick về đến nhà lúc bốn giờ chiều. Đây là ngày thứ 20 anh làm công việc của một thợ điện. Căn nhà thật vắng lặng, bởi chỉ có anh và vợ, Melissa Myrick. Rick bước vào phòng khách, ngồi xuống tính toán xem từ đầu năm đến giờ mình đã làm việc bao nhiêu giờ. Chỉ 130 giờ trong bốn tháng, như thế là chưa đủ để bắt đầu một gia đình đúng nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần.

Năm nay 33 tuổi, Melissa tin rằng đã đến lúc mình có con. Cô luôn hình dung một gia đình trọn vẹn với hai con, đủ trai và gái. Đó là điều Melissa bàn tính với chồng mình khi họ kết hôn vào năm 2008. Melissa muốn có thai ngay, nhưng đó chính là lúc cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra. Rick mất việc, ít lâu sau đến lượt Melissa.

Họ quyết định tạm dừng việc có con. Nhưng một năm sau, bác sĩ của gia đình thông báo Melissa gặp trục trặc nên khó sinh nở. Nếu muốn có con, cô phải trải qua một đợt điều trị tốn ít nhất 15.000 USD và tỷ lệ thành công chỉ là 50%. Dĩ nhiên, vợ chồng họ không thể tìm ra khoản tiền này khi đang thất nghiệp.

Melissa và Rick Myrick không phải là cặp vợ chồng gặp khó khăn duy nhất ở Mỹ. Có nhiều gia đình khác lâm vào cảnh ngộ như họ, dù lúc nào báo chí cũng nói kinh tế Mỹ đang hồi phục và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng vẫn phải chờ đến thời điểm thích hợp mới có con.

Vợ chồng Rick và Melissa chơi với cháu - Ảnh: Washington Post

Không phải dễ dàng đi đến quyết định có con. Nuôi trẻ nhỏ rất tốn kém. Tã lót, tiền khám bệnh, tiền gửi trẻ, thức ăn, quần áo và những bậc cha mẹ có tính lo xa còn nghĩ đến chuyện đứa trẻ vào đại học… Vào năm 2011, báo cáo chính thức của chính phủ Mỹ ước tính, một gia đình Mỹ phải tiêu tốn bình quân 295.000 USD để nuôi một đứa con cho đến khi vào đại học. Đó là điều không phải gia đình nào cũng có thể làm được. Với các bậc cha mẹ như Rick và Melissa, tất cả những gì họ có thể làm chỉ là hy vọng “ngày mai sẽ khá hơn hôm nay”.

Một cuộc thăm dò của Viện Gallup năm rồi cho thấy, lý do chủ yếu khiến các cặp vợ chồng không muốn có con đến từ vấn đề kinh tế. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu PEW khẳng định, tỷ lệ sinh con của phụ nữ tại các bang ở Mỹ tăng hay giảm là tùy thuộc vào thu nhập của từng gia đình.

Do vậy, khi kinh tế rơi vào khủng hoảng từ năm 2008, sinh suất giảm đều đặn mỗi năm, khác hẳn với những năm kinh tế Mỹ còn thịnh vượng. Cho đến nay, sinh suất vẫn không đảo chiều, có nghĩa là nhiều gia đình Mỹ vẫn còn khó khăn khiến họ không dám có con hoặc có thêm con. Điều đó khiến chính phủ Mỹ phải điều chỉnh dự báo về dân số. So với bốn năm trước, con số này giảm đến 9%, khiến dân số Mỹ vào năm 2050 vẫn là dưới 400 triệu người.

Trong khi chờ kinh tế Mỹ thực sự hồi phục và Melissa đủ tiền điều trị (có thể là áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm), Rick và Melissa hài lòng với việc chăm sóc Adriana, đứa cháu gái mới hơn bốn tuổi của Rick. Anh luôn đưa nó đến nhà chơi mỗi cuối tuần nên đã mua một chiếc ghế dành cho trẻ em, để ở băng sau xe mình. Melissa cũng rất thương Ariana, nhưng cô lại muốn chồng tháo chiếc ghế này khỏi xe khi không có Adriana. Bởi cô luôn muốn khóc mỗi lần nhìn vào kính chiếu hậu, thấy chiếc ghế trơ trọi mà không có đứa bé nào ngồi…

THIỆN NGA (Theo Washington Post)

www.phunuonline.com.vn

Rick Myrick, Melissa, Mỷ, sinh con, nuôi con, tốn kém, suy thoái kinh tế, thất nghiệp


© 2021 FAP
  656,188       1/691