PN - “Tốc độ bùng phát của bệnh dịch Ebola nhanh hơn nỗ lực kiểm soát nó”, bà Margaret Chan, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận.
Thông tin về cái chết hồi tuần qua của Sheik Umar Khan, bác sĩ hàng đầu trong trận chiến chống dịch bệnh Ebola ở Sierra Leone đã khiến cho thế giới lo sợ, nhất là ở các nước châu Phi. Ngay sau đó, mọi người đều áp dụng những biện pháp nhằm tránh cho mình và gia đình nhiễm chứng bệnh chết người này. Awa Faye, chủ một nhà hàng ở thủ đô Freetown của Sierra Leone, buộc mọi thực khách phải rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào nhà hàng.
Tại Liberia, Guinea và nhiều nước lân cận, biển cảnh báo bệnh dịch Ebola có ở khắp nơi để cảnh giác mọi người về căn bệnh này. Cũng tại những nước đó, giá xà phòng sát khuẩn, găng tay cao su và khẩu trang tăng vọt.
Hồi giữa tuần, các nước Sierra Leone và Liberia đã công bố tình trạng khẩn cấp. Một cuộc họp thượng đỉnh giữa nguyên thủ các nước Sierra Leone, Liberia và Guinea cùng lãnh đạo tổ chức WHO diễn ra vào cuối tuần đã cảnh báo tính nghiêm trọng của bệnh dịch này, theo thống kê chưa đầy đủ, đã lấy đi sinh mạng của 729 người ở ba nước này.
Nhân viên y tế lấy mẫu máu từ một bệnh nhân nghi Ebola tại bệnh viện chính phủ ở Kenema, Sierra Leone Ảnh: Reuters
Sau cuộc họp, bà Margaret Chan nói: “Nếu tình trạng này tiếp tục bùng phát, các hệ quả tiếp theo rất khủng khiếp. Không chỉ số người chết tăng cao mà nó khiến cho kinh tế các nước suy sụp, nguy cơ bệnh dịch lan sang các nước khác là rất cao”.
Đến nay, vẫn chưa có vắc-xin ngừa bệnh cũng như cách điều trị nào được cho là thật sự hiệu quả đối với bệnh dịch Ebola. Ngay cả nguyên nhân gây bệnh cũng là điều đang tranh cãi, dù nhiều chuyên gia thống nhất, bệnh phát xuất từ động vật hoang dã lây sang người và phát tán từ người sang người bằng các chất dịch trong cơ thể. Bệnh Ebola được xác định là gây ra bởi vi khuẩn EVD, tỷ lệ người chết sau khi bị nhiễm lên đến hơn 90%.
Nhiều nước khác bắt đầu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch Ebola. Nigeria áp dụng việc soi chiếu tại sân bay để phát hiện những người có thân nhiệt khác thường. Bờ Biển Ngà đặt các trạm gác ở biên giới để kiểm soát cả người lẫn thịt thú rừng được mang từ Liberia sang. Các nước Pháp và Đức cảnh báo công dân của mình hạn chế việc du lịch sang các nước đã có người chết vì bệnh Ebola.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo: Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
THIỆN NGA (Theo Guardian, UPI)
Tây Phi, Ebola, WHO, Margaret Chan