Thế giới

Phà chìm làm đảo lộn nhiều giá trị của Hàn quốc

PN - Thế giới ngỡ ngàng, người Hàn Quốc đau đớn đến choáng váng khi phà Sewol chở 476 người, phần lớn là học sinh trường trung học Danwon

Gần hai tuần sau thảm họa này, ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won tuyên bố từ chức trước áp lực của làn sóng chỉ trích về phản ứng chậm chạp của chính phủ trong vụ việc này. “Tôi muốn xin từ chức sớm hơn, nhưng phải ưu tiên cho việc xử lý tai nạn. Tôi nghĩ, đó là trách nhiệm mình phải làm trước khi từ chức”, ông Chung giải thích.

Đến nay, số người chết đã trục vớt được là 187 người, 115 người vẫn mất tích, mà thi thể được tin là còn mắc kẹt đâu đó trong chiếc phà chìm. Hơn mười ngày mới tìm kiếm và đưa lên được chưa đến 200 người trong khi cả trăm người khác vẫn “bặt vô âm tín” thì dù có giải thích cách nào, cũng không làm dịu được sự nóng giận của thân nhân các nạn nhân. Sự chậm trễ này đã làm bùng lên làn sóng chỉ trích và những hành động bạo lực, mất kiểm soát.

Hoạt động cứu hộ bị chỉ trích là chậm trễ - Ảnh: Reuters

Ngày 25/4, trong cuộc đấu khẩu với Bộ trưởng Ngư nghiệp và Giám đốc Tuần duyên Hàn Quốc, nhiều thân nhân các hành khách gặp nạn tiếp tục công kích sự chậm trễ của hoạt động trục vớt. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng, họ đã “huy động mọi nguồn lực sẵn có” cho công tác tìm kiếm cứu hộ, thời tiết xấu và dòng hải lưu mạnh vào hai ngày cuối tuần đã cản trở nỗ lực của các thợ lặn. Thợ lặn cứu hộ đã chiến đấu với dòng chảy mạnh, tầm nhìn hạn chế và nhiều đồ vật trôi nổi gây tắc nghẽn bên trong con phà lật úp và chìm trên đáy biển đầy bùn. Mỗi lần lặn xuống, các nhân viên cứu hộ chỉ chịu được mấy phút ngắn ngủi trong làn nước âm u.

Đỉnh cao của sự phẫn nộ bộc phát vào ngày 24/4, khi thân nhân các nạn nhân mất tích giận dữ tấn công ông Choi Sang-hwan, Phó giám đốc Tuần duyên Hàn Quốc. Họ lôi ông Choi ra khỏi văn phòng, xé áo và hành hung vị quan chức này bằng những cú đấm. Những người có mặt cáo buộc ông Choi đã phóng đại quy mô trục vớt cứu hộ, khẳng định những gì họ chứng kiến trong một chuyến ra hiện trường hôm thứ Năm không phù hợp với phát biểu của ông này tại các cuộc họp giao ban. Các gia đình nạn nhân liên tục cho rằng, những gì họ thấy chỉ là sự chậm trễ trong hoạt động cứu hộ và trục vớt, chưa kể việc thiếu nhân lực.

Thân nhân các nạn nhân chỉ trích  công tác cứu hộ  hậm trễ -Ảnh: Reuters

Trước đó, Thủ tướng Hàn Quốc đã bị thân nhân các nạn nhân la ó và ném chai nước vào mặt, khi ông dẫn đầu một phái đoàn chính phủ thăm hỏi người nhà đang chờ tin của các nạn nhân trên đảo Jindo, gần hiện trường vụ chìm phà.

Ngày 26/4, toàn bộ 15 thuyền viên của phà Sewol xấu số đều đã bị bắt giữ, phải đối mặt với tội lơ là nhiệm vụ. Lệnh bắt mới nhất yêu cầu bắt giữ bốn thành viên thủy thủ đoàn - gồm hai người lái phà và hai thành viên của tổ lái. Mười một người khác, gồm cả thuyền trưởng, đã bị giam trước đó.

Câu chuyện chìm phà “đơn giản” kéo theo cái chết của hơn 300 người khiến cả xã hội Hàn Quốc lúc đầu bán tín bán nghi. Họ không tin vì Hàn Quốc là một đất nước phát triển với những tiêu chuẩn an toàn giao thông đường thủy ngặt nghèo, phương tiện vận tải tiên tiến và nhất là năng lực ứng phó thảm họa đã được chuyên môn hóa với trình độ cao. Vụ chìm phà Sewol đã làm đảo lộn nhiều giá trị tưởng như ổn định và bền vững của Hàn Quốc, về trình độ quản lý và tinh thần trách nhiệm của con người trong guồng máy nhà nước.

Thủ tướng Chung Hong-won xin lỗi người dân Hàn Quốc và tuyên bố từ chức - Ảnh: Yonhap

...Nhưng vẫn không ngăn được sự đau khổ, tức giận của thân nhân nạn nhân -Ảnh: Reuters

Qua vụ chìm phà, người ta mới nhìn ra những mặt trái của xã hội. Các công tố viên đã đột kích một loạt doanh nghiệp chi nhánh của nhà điều hành phà - Công ty Chonghaejin Marine - như là một phần điều tra tổng thể bộ máy quản lý tham nhũng liên quan đến thảm họa chìm phà. Nhà chức trách cũng cấm 30 nhân viên Cheonghaejin và các thành viên gia đình họ rời khỏi đất nước, do liên quan đến các cáo buộc về tham ô, lơ là nhiệm vụ, trốn thuế và hối lộ. Cũng "nhờ" chìm phà, người ta mới biết người cầm lái chiếc phà tại thời điểm gặp nạn, khi phà đi qua khu vực nguy hiểm (luồng lạch phức tạp, nhiều đảo nhỏ san sát và dòng hải lưu mạnh) không phải là thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, mà là thuyền phó 3, một thanh niên 25 tuổi, lần đầu tiên điều khiển phương tiện đi qua vùng biển này. Người ta lại biết chuyện thuyền trưởng Lee Joon-seok đã trì hoãn không cần thiết hoạt động sơ tán hành khách khi phà bắt đầu chìm, sau đó đã “bỏ rơi họ” để thoát thân trước, một hành động mà Tổng thống Park Geun-hye lên án là “giết người” khi bà nói: “Trên hết, hành vi của thuyền trưởng và một số nhân viên thủy thủ đoàn là hoàn toàn không thể hiểu được từ quan điểm ý thức chung, nó giống như một hành động giết người - không thể và không được dung thứ”.

Trong khi người dân Hàn Quốc giận dữ trước sự bất cẩn, vô trách nhiệm của thuyền trưởng cùng các thuyền viên phà Sewol thì nữ thuyền viên Park Jee Young, 22 tuổi, được nhắc đến như một điểm sáng. Các hành khách may mắn sống sót kể lại, Park Jee Young đã không do dự lao vào cứu những học sinh đang loay hoay tìm đường thoát. Cô nhanh tay phát phao cứu sinh cho mọi người, thấy thiếu áo phao, cô lập tức chạy lên tầng trên để tìm thêm. Khi mọi người hỏi tại sao cô không mang áo phao, cô Park đã trả lời, thủy thủ đoàn phải là những người cuối cùng nhận thiết bị cứu sinh.

Vụ chìm phà Sewol của Hàn Quốc là thảm họa hàng hải lớn nhất xảy ra ở nước này, thiệt hại không thể tính được bằng tiền, khi hơn 300 mạng sống mãi mãi ra đi. Nhưng, mất mát lớn nhất là lòng tin của người dân vào chính phủ, một thứ mà dù ai đó có đánh đổi bằng chức vụ thủ tướng để lấy một lương tâm thanh thản, cũng khó nhận được sự đồng cảm.

 THANH HẢI

(Theo Yonhap, AFP, Reuters)

www.phunuonline.com.vn

Sewol, Chung Hong-won, chìm phà, Hàn Quốc


© 2021 FAP
  459,736       187/3,486