Sản phẩm

Quá nhiều thiết bị?

(PCWorldVN) Có thể mỗi người chúng ta hiện sở hữu quá nhiều thiết bị điện tử, nhưng có thể chắc chắn một điều là chúng ta không bao giờ sử dụng hết chúng.

Trong khoảng chục năm qua, với những ai đam mê công nghệ, có lẽ có quá nhiều thiết bị ra đời, quá nhiều bài đánh giá sản phẩm và nhiều thiết bị chúng ta mua luôn được đánh giá là an toàn hơn, tốt hơn và nhiều tính năng hơn. Tuy vậy, chúng lại cần thiết lập cẩn thận, bảo trì và thỉnh thoảng bạn phải xử lý những rắc rối, hỏng hóc mà nó gây ra. Kết quả thường là… mua thiết bị mới.

Viễn cảnh trên không ngành nào đúng như ngành công nghệ cho gia đình. Các sản phẩm Internet of Things (IoT) càng ngày càng phức tạp hơn, có Wi-Fi, có Bluetooth và nhiều kiểu giao diện người dùng. Chúng thường phụ thuộc vào một ứng dụng nào đó, hay hệ điều hành của điện thoại và đám mây. Điều đáng nói là trước khi mua chúng, ít ai nghĩ đến việc phải mất bao nhiêu thời gian để xử lý các trục trặc mà chúng gây ra.

Công nghệ đã khiến chúng ta phớt lờ những sản phẩm đơn năng nhưng vẫn dùng tốt.

Chiếc máy điều hòa Nest là sản phẩm sáng tạo ngay khi nó xuất hiện trên thị trường. Nó tận dụng mạng Wi-Fi trong nhà chúng ta, lấy thông tin từ Internet để tự động điều chỉnh nhiệt độ trong phòng để tiết kiệm điện.

Nhưng sau một thời gian sử dụng, Nest lại trục trặc, trong đó có tính không tương thích với hệ máy điều hòa hiện thời, không tải dữ liệu từ Internet về được và thỉnh thoảng lại mất kết nối Wi-Fi. Công ty Nest theo thời gian cũng dần dần sửa các lỗi ấy. Nhưng vấn đề là: chúng ta phải tốn thời gian theo dõi và cập nhật cho sản phẩm.

Camera an ninh Canary được thiết kế để giám sát các hoạt động bất thường trong nhà và báo cho chủ nhà qua điện thoại. Nhưng nó lại thỉnh thoảng báo sai, như khi bật đèn, nó lại nhận diện đó là chuyển động.

Lúc đầu, có thể chúng ta nghĩ đó mới chỉ là sản phẩm mẫu, chưa hoàn thiện nên chúng chưa được thương mại hoá. Nhưng rõ ràng, quảng cáo sản phẩm và mô tả sản phẩm không bao giờ đề cập đến những vấn đề ấy. Trong khi đó, nếu bạn tìm trên mạng những người cũng từng sử dụng và gặp tình trạng tương tự, bạn sẽ thấy vô vàn người giống mình và họ đưa ra đủ mọi mẹo để sửa hoặc bỏ qua lỗi đó.

Và trên phương diện nhà phát triển sản phẩm, khi một sản phẩm có càng nhiều tính năng, thì sản phẩm đó càng dễ gây lỗi, và lỗi càng có sửa. Còn về phía công ty khi tung ra sản phẩm, họ rất khó để sửa hết mọi lỗi, đáp trả hết mọi phản hồi của người tiêu dùng. Cho dù sản phẩm đó trước khi tung ra thị trường đã qua kiểm thử rất gắt gao, nhiều lần nhưng khi đến tay hàng ngàn người dùng, chắc chắn có những tình huống đặc biệt mà nhà sản xuất không bao giờ ngờ đến được. Chính nhà sản xuất cũng chưa chắc hiểu hết được sản phẩm của họ làm ra.

Đó là lý do tại sao tỉ lệ trả và bảo hành sản phẩm công nghệ thường là hai con số. Không phải vì đó là sản phẩm giả, hàng nhái, nhưng bởi vì tính phức tạp của chính bản thân sản phẩm đó.

Điều nực cười là có nhiều thiết bị mới đang cố gắng thay thế những thiết bị cũ, lâu đời, tồn tại nhiều năm qua cho dù các thiết bị cũ ấy hoạt động cực kỳ tốt. Một cái máy báo khói có kết nối Internet giá 125 USD thay thế cho một cái máy báo khói khác có giá chỉ 20 USD. Một dây đeo thông minh 100 USD thay cho đồng hồ đo bước chân giá chỉ 15 USD. Một cây thước có kết nối Internet giá 100 USD thay cho cây thước 25 USD. Một bộ khóa cửa từ xa, điều khiển từ Internet thay cho một chiếc chìa khóa thông thường.

Dù cho tồn tại những vấn đề ấy nhưng những món hàng mới lại rất thu hút nhiều người trong chúng ta. Chúng ta luôn muốn là người đầu tiên tiếp cận được những công nghệ mới đó, mua đúng thiết bị đó và làm những thứ mà chưa ai làm được. Có vẻ như chúng ta như con thiêu thân, biết nhiều rủi ro nhưng vẫn lao đầu vào các món hàng công nghệ. Chúng ta đã có trên tay iPhone 5 nhưng lại theo từng dòng tin về iPhone 6 Plus, 6S Plus.

Và khi IoT bùng nổ, tính phức tạp chỉ có tăng thêm, không giảm đi. Số lượng thiết bị điện tử trong nhà chúng ta cứ nhiều lên theo thời gian. Thậm chí nếu chúng thiết kế hoàn hảo, không có lỗi gì đi nữa thì chúng ta cũng phải tìm ra một cách nào đó để quản lý chúng, để biết khi nào chúng hoạt động, phản ứng cho chính xác.

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng dần dần, tiến bộ công nghệ sẽ giải quyết được hết những lỗi nhỏ nhặt nơi các thiết bị điện tử. Có lẽ một thiết bị chạy với một ứng dụng nào đó chuyên công việc quản lý, phát hiện và sửa chữa các thiết bị IoT khác thay cho chúng ta. Tuy nhiên, lúc nào cũng vậy, thiết bị nào cũng vậy, luôn cần phải bảo trì.

PCWorld

đời sống công nghệ, IoT, thiết bị điện tử


© 2021 FAP
  1,622,158       1/319