Tiêu dùng

Doanh nghiệp nỗ lực kìm giá

PN - Giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng từ 130 - 420 đồng mỗi lít. Đây là lần thứ hai giá xăng tăng trong vòng nửa tháng, với tổng cộng 750 đồng mỗi lít.

 Siêu thị, chợ ổn định giá

Đại diện Co.opmart cho biết, chưa nhận được bất kỳ đề nghị tăng giá nào của các nhà cung cấp liên quan đến giá xăng tăng. Tuy nhiên, như cách làm lâu nay của Co.opmart, nếu nhận được các đề nghị tăng giá, Co.opmart sẽ thẩm định các đề nghị cẩn trọng, nếu không hợp lý thì Co.opmart sẽ không chấp nhận. Nếu các đề nghị tăng giá là hợp lý thì Co.opmart sẽ tiếp tục xem xét, thuyết phục nhà cung cấp có chính sách cùng chia sẻ với người tiêu dùng, đồng thời áp dụng tăng giá theo lộ trình, nhằm đảm bảo luôn bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Ông Hồ Hữu Nguyên - Giám đốc Đối ngoại hệ thống Big C khu vực TP.HCM cũng khẳng định, ít nhất trong vòng hai tháng tới sẽ không có nhà cung cấp nào tăng giá theo giá xăng, do các doanh nghiệp (DN) đã có những cam kết rõ ràng với Big C.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), đại diện Ban quản lý (BQL) chợ cho biết, tổng lượng hàng về chợ đạt mức trên 3.000 tấn/đêm và giá cả các mặt hàng rau củ quả hiện vẫn ổn định, chưa có gì biến động sau giá xăng tăng.

Tương tự, giá các mặt hàng thịt heo, thủy hải sản, rau củ, trái cây… tại chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền (TP.HCM) cũng ổn định; lượng hàng hóa về chợ 2.300 - 2.400 tấn/đêm. Ông Phan Anh Tuấn - Phòng Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết: “Nhiều xe hàng từ miền Tây lên phần lớn là xe của nhà vườn, đợt này dù giá xăng tăng nhưng họ cam kết sẽ không tăng giá hàng hóa. Những xe hàng từ Đà Lạt về chợ hiện cũng chưa điều chỉnh giá vì tính ra một chuyến xe chở từ bảy - mười tấn hàng chỉ tăng thêm khoảng 120.000đ chi phí xăng, mức tăng không nhiều nên chưa tác động đến giá hàng”.

Theo một số thương nhân và BQL ba chợ đầu mối trên thì giá cả phụ thuộc chủ yếu vào lượng hàng về chợ, cung - cầu và thời tiết. Giá xăng tăng không tác động đến giá hàng hóa ngay mà thường sau đó khoảng một tháng. Chị Nga - chuyên doanh trái cây tại hai chợ Hóc Môn, Thủ Đức, cho biết: “Các mặt hàng trái cây không tăng giá theo giá xăng, chủ yếu là do thương nhân thỏa thuận với mối lái, do tình hình hút hàng hay hàng về nhiều”. Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), nhận định: “Giá xăng tăng lần này sẽ không tác động đến giá cả hàng hóa nhiều”.

Các siêu thị khẳng định sẽ giữ giá ổn định tối đa

Giá tour không đổi

Ở lĩnh vực du lịch, các tour sẽ giữ nguyên giá như đã công bố cho đến hết mùa hè năm nay. Đó là thông tin từ rất nhiều DN lữ hành trên địa bàn TP.HCM như Saigontourist, Vietravel, Fiditour, Lửa Việt Tours… “Khách hàng vẫn được thụ hưởng sản phẩm với giá cũ mà không có sự thay đổi nào về mặt chất lượng” - ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng ban Tiếp thị truyền thông Vietravel khẳng định. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lửa Việt Tours cho biết: “Chất lượng tour vẫn luôn phải bảo đảm; DN chúng tôi “nín thở”, gồng mình, giảm lợi nhuận, thay vì lãi mười phần thì sẽ chỉ còn chín hoặc tám thôi”.

Theo lý giải của các DN lữ hành, họ giữ được giá tour một phần do đã chủ động về phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc đối tác; mặt khác, nếu phải sử dụng phương tiện của đối tác thì các DN đã ký hợp đồng bảo đảm về giá trước cả năm hoặc ít nhất là một mùa. Do đó, trước mắt, từ nay đến hết tháng 8/2014 giá tour vẫn ổn.

Tuy nhiên, cam kết trên đa phần chỉ xảy ra ở những DN lữ hành lớn; với những DN nhỏ, nhiều khả năng sẽ bị đối tác vận chuyển ép giá. Khi đó, để giữ giá tour, có thể họ sẽ cắt giảm dịch vụ để đảm bảo lợi nhuận. Một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch lưu ý, khách hàng khi đăng ký tour nên hỏi chi tiết: số buổi ăn có bị giảm không; khách sạn ở vị trí trung tâm hay ngoại ô (ngoại ô giá sẽ rẻ hơn trung tâm khoảng 10-15%); các điểm tham quan (tránh tình trạng đơn vị bán tour sẽ xen nhiều điểm tham quan miễn phí, kém hấp dẫn vào để làm dày lịch trình hoặc dành nhiều thời gian cho mua sắm).

Doanh nghiệp vận tải: hỗ trợ tài xế để giữ giá cước

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, với mức tăng 420đ mỗi lít xăng, việc tăng cước là quá đơn giản với các hãng taxi, tuy nhiên hiện nhiều hãng đã quyết định không tăng giá nhằm hưởng ứng chủ trương kìm giá hàng hóa, dịch vụ của UBND TP.HCM. Các DN hiện chọn cách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho tài xế. Theo đó, kế hoạch được các hãng đưa ra hiện nay là hỗ trợ tài xế khi đạt 160km hay 200km mỗi ngày. Ông Hỷ cho rằng đây là cách để giữ khách hàng cũng như tránh ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều ngành hàng khác.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, hiện các DN vận tải vẫn chưa có kế hoạch tăng cước sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào tối 7/7. Trong bối cảnh khó khăn chung về đầu ra của hàng nông sản, nhiều DN vận tải hàng hóa cho rằng, việc giữ giá cước ổn định vừa hỗ trợ chủ hàng, DN vừa tự cứu mình. Bởi, nếu chủ hàng không có đầu ra, không vận chuyển thì DN vận tải còn khó khăn hơn.

 Nhóm phóng viên thị trường

www.phunuonline.com.vn

xăng tăng giá, thị trường ổn định, doanh nghiệp nỗ lực kìm giá


© 2021 FAP
  321,029       1/567