Tiêu dùng

Nhựa gia dụng Việt Nam bỏ lỡ phân khúc cao cấp

PNO - Theo các chuyên gia ngành nhựa, một tín hiệu đáng mừng là nhựa gia dụng Việt Nam (VN) ngày càng phủ sóng thị trường

Thống lĩnh thị phần bình dân

Hàng nhựa gia dụng xuất xứ Trung Quốc (TQ) một thời “làm mưa gió” hiện nay đã vắng bóng. Tại các chợ, siêu thị, nhựa gia dụng VN chiếm tỷ trọng đến 80 - 90% với đa dạng chủng loại, kiểu dáng các SP thau, xô, rổ, khay cơm, úp ly, bộ gia vị, khay đá, ly, bình, tủ, kệ, bàn ghế, chổi, cọ… phục vụ nhu cầu đa dạng của NTD.

Hầu hết các SP có thương hiệu rõ ràng như: Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Long Thành, Song Long, Tự Lập, Duy Thành… với có mức giá vừa phải, trung bình khoảng vài chục nghìn đồng/ sản phẩm (SP). Đặc biệt, có những SP như: ca cách nhiệt, rổ hai lớp, hộp đựng thức ăn khóa nắp, hộp nhựa dùng trong lò vi sóng…đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của NTD.

 

Nhựa gia dụng Việt Nam phong phú, đa dạng nhưng chưa có nhiều sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh Nguyễn Cẩm

Anh Thành – Chuyên bán đồ nhựa tại chợ Căn cứ 26A, Q.Gò Vấp, cho biết, trước đây có nhập hàng Thái Lan, TQ về bán để đa dạng SP, đủ mức giá để dễ bán, nhưng sau này NTD tẩy chay hàng TQ, còn hàng Thái Lan thì giá cao hơn từ 50% đến gấp đôi/SP nên còn rất ít người mua. Hơn nữa, SP nhựa Việt ngày càng đa dạng thu hút nhiều NTD.

Tuy nhiên, theo nhu cầu thực tế của NTD thì nhiều người cần những SP cao cấp, tiện dụng hơn và hàng “nội” chưa đáp ứng được. Chị Liên (ngụ Q.Phú Nhuận) kể: “Tôi có nghe bạn giới thiệu loại rổ chỉ cần dùng tay xoay nhẹ sẽ tạo lực xoay tròn làm khô ráo rau, rất tiện để đựng rau ăn sống. Nhưng hỏi cả chục sạp bán đồ nhựa mà không có. Tôi đi lung nhiều ngày mới tìm được ở cửa hàng Nhật với giá 200.000đ/cái”.

Ngoài ra, các dụng cụ đơn giản như đồ vắt cam, so với hàng của Nhật, Hàn Quốc thì SP VN vừa nhìn không đẹp mắt, nhựa sờ không mướt tay, lại dễ xỉn màu…Chưa kể về độ bền, xét về tính tiện dụng, rất nhiều SP nhựa VN hiện nay làm không tới.

Chị Thu (ngụ Q.10) từng quyết định thay hàng loạt đồ nhựa dùng trong gia đình chuyển sang dùng hàng nhựa ngoại, từ hộp đựng thức ăn đến rổ, sọt, thau, ghế…mặc dù giá cao hơn khá nhiều so với hàng Việt. Chị giải thích: “Xài nhiều loại mới để ý thấy rõ hàng nhựa ngoại được thiết kế mẫu mã vừa đẹp, tiện lợi, vừa đảm bảo an toàn. Xài hàng VN, tôi từng bị đứt tay khi khiên chậu đồ mà không để ý viền chậu quá sắc bén, hay rổ đựng rau mà thiết kế sọc ngang, dọc quá khít làm rau khó khô. Trong khi hàng ngoại thường khắc phục được những lỗi này”.

Ngay cả người bán cũng từ chối bán một số SP Việt, vì ngay chính họ đem về xài cũng không thấy tiện lợi. Chị Tư – chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cho biết, hộp nhựa đựng thực phẩm của một số nhãn hiệu trong nước làm giống hàng ngoại là hộp Lock & Lock nhưng khi xài lại không khóa được. “Nắp cứ bung bần bật, mình xài còn không được sao dám lấy bán”, chị Tư nói.

Khi hỏi mua hộp nhựa chuyên dùng trong lò vi sóng, người bán giới thiệu một số mẫu hộp nhựa VN nhưng đọc kỹ trên nhãn, chúng tôi cũng không biết được có đúng hộp chuyên dùng hay là hộp đại trà, vì không ghi chú rõ ràng.

Trong khi đó, tại cửa hàng ADDA Thái Lan (đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp), trên nhãn hộp có ghi và hướng dẫn rõ cách dùng SP trong lò vi sóng, giá từ 38.000 – 80.000đ/hộp, tùy kích cỡ.

Một số thương hiệu VN ra hộp đựng thực phẩm có tính năng diệt khuẩn nhưng không tạo được khác biệt với các loại hộp khác nên ngay cả người bán cũng không thể thuyết phục được khách hàng.

Thiếu vốn đầu tư hay dè dặt?

Nhiều doanh nghiệp (DN) hiểu rõ SP nhựa VN đa dạng, phủ sóng các kênh và xuất khẩu mạnh sang các nước Lào, Cămpuchia, Thái Lan…. Nhưng ở phân khúc SP cao cấp chưa đạt được do nhiều nguyên nhân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hậu – PGĐ Công ty Nhựa Duy Thành, cho biết: “Chúng tôi xác định chọn phân khúc trung bình, hàng đảm bảo chất lượng, giá vừa phải dễ tiêu thụ, chứ không đi theo phân khúc cao cấp vì đầu tư nhiều, giá SP cao khó bán”.

Người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm tiện dụng, cao cấp hơn, nhưng hàng nội chưa đáp ứng được. Ảnh Nguyễn Cẩm

Lý giải cho việc nhu cầu thị trường cần nhiều SP tiện lợi hơn nhưng SP VN chưa có nhiều, theo bà Hậu thì SP cao cấp đòi hỏi công nghệ cao, trong khi DN thường khó khăn vốn đầu tư. “DN thấy được nhu cầu thị trường nhưng lực chưa đủ. Ngành nhựa mức lợi nhuận thấp, mà cần vốn đầu tư nhiều và dài hạn thì mới giữ được thị phần. Trong tình hình kinh tế còn khó khăn hiện nay thì trước mắt cố trụ vững, còn về lâu dài cũng sẽ tính đến kế hoạch đầu tư ra nhiều SP mới, đa dạng, tiện lợi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD”- bà Hậu nói.

Còn ông Võ Văn Đức Bảy – PGĐ DN Nhựa Chợ Lớn cho rằng, các DN có thể đầu tư nhập máy móc hiện đại để sản xuất dòng SP cao cấp, nhưng nhu cầu thị trường nội địa ở SP cao cấp không nhiều, chủ yếu là một bộ phận NTD có thu nhập cao.

Với nỗi lo SP cao cấp giá cao khó tiêu thụ nên các DN tự xác định mình ở phân khúc trung cấp, lo ngại vốn – công nghệ…, phải chăng DN VN đang tự bó mình và chấp nhận để phân khúc cao cấp cho hàng ngoại chiếm lĩnh?

Theo phân tích của các chuyên gia marketing, thương hiệu thì DN VN hoàn toàn đủ năng lực để hướng đến phân khúc cao cấp và DN viện giải lý do thiếu vốn đầu tư công nghệ để làm ra SP cao cấp là chưa thỏa đáng.

Các chuyên gia đều cho rằng, DN chỉ cần nghiên cứu, đầu tư ra SP cao cấp độc đáo và tiếp thị tốt, SP bán được thì lợi nhuận biên rất cao (bán ít hàng nhưng lời nhiều). Trong khi đó, sản phẩm bình dân lợi nhuận không nhiều. Nhưng xét về độ chín mùi thì chỉ những DN nào đang ở phân khúc trung cao cấp, đã có nhiều trải nghiệm thì mới dễ nhảy lên phân khúc cao cấp, còn từ phân khúc thấp lên cao cấp sẽ rất rủi ro vì không chỉ thay đổi trong sản xuất mà thay đổi cả trong quản trị, truyền thông, tiếp thị... 

Theo phân tích của ông Hồ Minh Chính – Chuyên gia huấn luyện bán hàng Trung tâm đào tạo K.A.S, SP nhựa gia dụng cao cấp đang chiếm khoảng 20% thị phần nội địa, định vị vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao. . “Hàng nhựa gia dụng VN chưa đủ mạnh để định vị thương hiệu SP ở phân khúc cao cấp. Làm ra SP cao cấp phải kết hợp với tiếp thị, truyền thông  thì mới có khả năng tiêu thụ được. Còn ra SP tốt, nhưng coi nhẹ hình ảnh SP, truyền thông không tới sẽ  khó bán được hàng”, ông Chính nói.

Ngoài những khó khăn trên, còn có một lý do khác là "Ngay cả DN trong nước cũng cạnh tranh không lành mạnh, ra SP không đạt chất lượng và bán giá rẻ hơn, nên để giữ thị phần, các DN phải làm sao sản xuất SP chất lượng, nhưng giá vừa phải, còn đầu tư công nghệ sẽ đội giá cao thì càng khó cạnh tranh”, ông Bảy phân tích.

Nguyễn Cẩm

www.phunuonline.com.vn

nhựa, sản phẩm nhựa, nhựa gia dụng


© 2021 FAP
  242,918       3/1,046