PN - Sáng 4/3, liên Bộ Tài chính - Công thương - Y tế và Tư pháp đã họp khẩn về việc giá sữa tăng trong thời gian gần đây. Đồng thời, Bộ Tài chính đã lập đoàn thanh tra năm doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn.
Ảnh: P.Huy
“Bộ Tài chính rất nghiêm túc và quyết liệt”
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, dù đã quản lý chặt giá sữa nhưng giá của mặt hàng này vẫn liên tục tăng cao. Nghi ngờ dấu hiệu chuyển giá, Bộ đã quyết định thành lập đoàn thanh tra đến năm doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn là MeadJohnson, Nestle, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Friesland Campina Việt Nam (phân phối sữa Friso) và Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A (phân phối sữa Abbott). Dự kiến, đoàn thanh tra sẽ vào cuộc ngay trong tuần này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công thương thu thập số liệu để điều tra các hành vi, nếu có, vi phạm luật cạnh tranh.
Theo Cục Quản lý giá, từ tháng 12 đến nay, có năm doanh nghiệp sữa đã gửi kê khai giá với mức tăng từ 5-10%. Cuối năm 2013, dù nhận thấy “dấu hiệu” bất thường, nhưng khi tiến hành thanh tra, Bộ Tài chính vẫn chưa thể chứng minh được các doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm, làm giá. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sữa rất am hiểu về pháp lý và mặt hàng này hoạt động theo cơ chế thị trường nên tìm ra chứng cứ không phải dễ. “Bộ Tài chính đang nắm bắt tình hình, thông tin liên quan và không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá", ông Nguyễn Anh Tuấn trao đổi với PV Báo Phụ Nữ.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trước tình trạng giá sữa “nhảy múa”, ông Tuấn khẳng định: “Việc quản lý giá sữa từ trước tới nay Bộ Tài chính làm rất nghiêm túc và quyết liệt, căn cứ vào Pháp lệnh Giá từ 2003 tới nay”.
Chọn loại sữa nào hợp túi tiền, với bà nội trợ, là vấn đề "đau đầu" - ( Ảnh mang tính minh họa)
Quản lý kiểu đuổi hình, bắt bóng
Những ngày qua, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã có thái độ khá quyết liệt trong việc làm sáng tỏ giá sữa của một số doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội băn khoăn, đây không phải là lần tăng giá bất thường của các hãng sữa mà chuyện đã có cả chục năm nay. Nguyên nhân dẫn đến việc mất kiểm soát giá của mặt hàng thiết yếu này, trước tiên nằm ở hai chữ “minh bạch”: “Giống như giá xăng dầu vậy, các đơn vị quản lý không kiểm soát được các khâu cấu thành giá là bao nhiêu nên khó có thể biết được cái sai nằm ở chỗ nào”.
Mặt hàng sữa vốn được quản lý bởi liên bộ nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan trong nước và các thương vụ nước ngoài còn lỏng lẻo. Ông Phú lấy ví dụ, nhiều thương vụ ở nước ngoài không nắm được giá cả hàng hóa ở nước đó, trong khi lẽ ra các thương vụ phải nắm được giá thành và phối hợp với các cơ quan giá trong nước. “Với cách hiện nay thì quản lý giá sữa sẽ mãi chỉ đuổi hình bắt bóng", ông Phú nói.
Đồng quan điểm với ông Phú, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Chí Long cho rằng, lỗi để cho giá sữa bị đẩy cao như hiện nay là có sự buông lỏng quản lý của cả ba bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính, cơ quan đứng đầu về quản lý giá.
H. Anh
Một loại sữa, nhiều mức giá Cùng một chủng loại, của cùng một nhà sản xuất hay phân phối nhưng rất nhiều sản phẩm sữa lại đang có các mức giá khác nhau, với khoảng cách chênh lệch nhiều loại lên đến 50.000-70.000đ/hộp, mỗi nơi bán một kiểu. Chẳng hạn, với sữa Enfagrow 3 hàng công ty (để phân biệt với hàng nhập khẩu, hàng xách tay), dùng cho trẻ từ một-ba tuổi tại shop Hương, số 29 Nguyễn Thông, Q.3 có giá bán 430.000đ/hộp (900g), tại siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc giá 462.500đ, trong khi tại một số cửa hàng ở khu vực chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), giá chỉ 410.000đ/hộp, ở một số kênh trực tuyến giá chỉ 389.000đ/hộp. Mức chênh lệch của sản phẩm này tại các điểm bán lẻ lên đến hơn 80.000đ/hộp. Tương tự, một số sản phẩm khác như Frisogold pedia, Dumex gold… cũng đang tồn tại nhiều mức giá khác nhau. Thư Hùng |
thanh tra năm doanh nghiệp, nghi chuyển giá sữa