Tiêu dùng

Mù mờ chất lượng nấm ngoại nhập

PN - Sau khi có nhiều thông tin về nấm Trung Quốc gắn mác nấm Việt Nam, thị trường bỗng xuất hiện nhiều loại nấm có nguồn gốc Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Phải chăng đó cũng là nấm Trung Quốc?

Ảnh: P.Huy

“Nhập quốc tịch” cho nấm

Tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), các gói nấm linh chi trắng, nâu; kim châm, đông cô được đóng gói đẹp mắt, bày bán trên những gian hàng sát lề đường. Thấy người mua săm soi, cô bán hàng giới thiệu “nấm Việt Nam đó, toàn chữ tiếng Việt không nè”. Đúng là thông tin trên bao bì hoàn toàn bằng tiếng Việt, song phần thông tin về xuất xứ của sản phẩm lại được viết bằng tiếng Anh mà phải nhìn kỹ mới thấy: “product of China” (!).

Khi PV vừa hỏi mua nấm kim châm ở chợ Ngọc Hà (Hà Nội), chủ hàng ngay lập tức khẳng định sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, gói nấm mà chủ hàng đưa cho chúng tôi lại ghi rõ nguồn gốc nhập khẩu từ… Hàn Quốc. Trên bao bì nấm cũng in chữ Hàn Quốc và mã vạch của quốc gia này. Chủ hàng vẫn quả quyết: “Ghi là vậy, nhưng đây là hàng Việt Nam chính hãng”. Chị Nguyễn Hải Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Do e ngại nấm không đảm bảo chất lượng, tôi luôn phải tìm mua nấm có nhãn hiệu. Nhưng bây giờ thì không biết tin vào đâu, khi các loại nấm nhập khẩu cũng bị “thay áo”.

Một số chợ khác như Hà Đông, Thành Công, Hoàng Mai… nấm kim châm dán nhãn Việt Nam cũng bỗng chốc… sạch bóng, hầu hết được chuyển sang dán nhãn nhập khẩu.

Điều đáng nói, trên bao bì ghi rõ “bảo quản từ 1-5oC” nhưng tất cả nấm bày bán ở các chợ đều thỏa sức “dầm mưa, dãi nắng”.

VTV ghi nhận tình trạng Tràn lan nấm không rõ nguồn gốc"

Tin vào nhãn mác: hên-xui!

Theo khảo sát của chúng tôi, nguồn nấm tại một số hệ thống siêu thị ở TP.HCM chủ yếu được cung cấp bởi một số đầu mối chính là Cao Nguyên Xanh, Song Xanh, Nguyên Phát, Trâm Anh, Song Khang… Mỗi nhà cung cấp đều có đa dạng chủng loại nấm, nguồn gốc nấm được in rõ trên bao bì với thông tin rõ ràng về xuất xứ nơi đóng gói. Tuy là nấm nhập ngoại song tất cả đều được đóng gói tại Việt Nam. Nấm có xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản được bày bán song song.

Lần theo địa chỉ trên một gói nấm, chúng tôi đến Công ty TNHH TMDV XNK Song Khang (trụ sở tại P.Thới An, Q.12). Tại đây, khá nhiều loại nấm được đóng sẵn trong các thùng carton có ghi chú bằng tiếng Anh, với nghĩa “sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản”. Bà Nguyễn Thị Hưng, Giám đốc công ty cho biết, công ty của bà chủ yếu nhập nấm từ Hàn Quốc, Nhật Bản và số ít từ Trung Quốc. Chúng tôi ngỏ ý muốn xem giấy tờ xác minh nguồn gốc, bà Hưng trả lời rằng hiện có nhiều đầu mối nói bán hàng của Song Khang nhưng kỳ thực lại là hàng trôi nổi. Do vậy, phải biết rõ khách hàng là ai, bán hàng ở đâu thì công ty mới cung cấp các loại giấy tờ.

Lấy danh nghĩa là người tiêu dùng cần được tư vấn về cách nhận biết nguồn gốc các loại nấm ăn, chúng tôi được bộ phận hỗ trợ khách hàng trực tuyến của nhãn hiệu nấm Ngọc Trâm cho biết: khách chỉ có thể dựa vào uy tín, thương hiệu của nhà cung cấp. Bởi, bất cứ công ty nào cũng vậy, họ đều có thể “treo đầu dê bán thịt chó”. Hỏi thêm nhiều tiểu thương cho đến nhà cung cấp, tất cả đều thừa nhận rằng nhìn vào sản phẩm sẽ rất khó nhận biết đó là hàng Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Nấm được phơi nắng cả buổi ngoài chợ, có bao bì hẳn hoi nhưng ai dám chắc hàng có chất lượng ?

Nấm tươi lâu một cách khả nghi

Không chỉ băn khoăn về nguồn gốc, chúng tôi còn thấy không an tâm về chất lượng của các loại nấm ngoại nhập. Trên bao bì của sản phẩm bày bán tại các chợ, siêu thị đều có ghi chú về hạn dùng là trong bảy ngày kể từ ngày đóng gói tại Việt Nam. Vậy cộng thêm thời gian vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, lưu kho, kiểm định… để nấm đến được tay người tiêu dùng sẽ mất thêm bao nhiêu ngày? Sao nấm vẫn tươi như mới thu hoạch?

Tiến sĩ Trương Bình Nguyên, giảng viên Khoa Sinh học ĐH Đà Lạt, người đã có nhiều năm nghiên cứu về nấm ở Nhật Bản, tư vấn và chuyển giao công nghệ sản xuất nấm cho nhiều cơ sở trong nước cũng không thể lý giải nổi tại sao nấm ngoại lại có thể giữ tươi lâu đến vậy. Ông nói: “Trong giới chuyên môn chúng tôi, ai cũng biết trong nấm Trung Quốc có sử dụng chất bảo quản nhưng không thể biết họ đã dùng chất gì”. Còn tiến sĩ Lê Duy Thắng, bộ môn vi sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thì chia sẻ: “Tôi từng tham quan rất nhiều cơ sở trồng nấm ở Trung Quốc. Có những nơi trồng theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất đi châu Âu, Mỹ. Song cũng có nhiều cơ sở đáng ngờ. Họ xịt một loại thuốc, qua ngày hôm sau đã thấy nấm to lên rất nhiều và đẹp. Họ không cho biết đó là loại thuốc gì mà chỉ nói rằng mua ở chợ”.

Theo nhiều chuyên gia, các dưỡng chất trong nấm sẽ bị giảm và biến đổi rất nhanh theo thời gian bảo quản, đặc biệt là đường và lipid. Đó là thời gian nấm bị lão hóa và khô đi. Trong quá trình đó, các enzyme tự hủy cũng phát triển gây mùi khó chịu và gây ngộ độc cao, đặc biệt nếu không được bảo quản trong điều kiện quy định (có bao gói đúng quy cách, để trong nhiệt độ thấp). Do vậy, theo TS Trương Bình Nguyên, chỉ nên ăn nấm trong vòng bảy ngày sau khi thu hoạch với điều kiện là nấm được bảo quản tốt ở nhiệt độ từ khoảng 7-10oC, không sử dụng hóa chất.

Chính vì cảnh báo trên của các chuyên gia, đối chiếu với thực tế quá trình từ thu hoạch, nhập, đóng gói cho đến lúc được đưa ra thị trường, liệu nấm tươi nhập có còn an toàn, bổ dưỡng cho người tiêu dùng?

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện chỉ trồng được một số loại nấm phổ biến như nấm sò, nấm mỡ, nấm hương, nấm rơm, nấm bào ngư, hoàng kim, tú trân, nấm mèo… Trong khi đó, nấm đùi gà, nấm ngọc trai là những sản phẩm người tiêu dùng ưa thích thì gần như không có cơ sở nào trong nước nuôi trồng được. Bà Nguyễn Trang - chủ một trại nấm tại Đông Anh (Hà Nội) phân tích: “Các loại trên chỉ phát triển trong môi trường cực lạnh nên được trồng chủ yếu ở Trung Quốc. Muốn trồng loại nấm này ở Việt Nam thì đòi hỏi đầu tư công nghệ lớn, giá thành sẽ rất cao”.

Thị trường còn có loại nấm Hypsizygus marmoreus, tên tiếng Việt là mộc châm, ngọc bích, hải sản hay nấm cẩm thạch. Tuy vậy, nhiều công ty nhập nấm này từ Trung Quốc về đã đặt tên là “nấm linh chi”, nhằm gây ấn tượng cho người tiêu dùng lầm tưởng là loại nấm linh chi (làm thuốc) còn non. Thật ra đó chẳng phải là linh chi!

 Gia Nghĩa - Đăng Thư - Huyền Anh 

Cục An toàn thực phẩm đã vào cuộc điều tra và xác minh thông tin nấm kim châm không rõ nguồn gốc của cơ sở Lưu Mai Hương. Các loại nấm mang nhãn hàng này đều được quảng cáo sản xuất tại Lạng Sơn, trong khi thực tế, nơi ghi địa chỉ của cơ sở không hề trồng nấm kim châm, đùi gà. Những loại nấm này được thu gom từ Lạng Sơn, chuyển về Gia Lâm (Hà Nội) để đóng gói, dán nhãn mác và tiêu thụ ở các chợ và các siêu thị lớn như FiviMart, Big C. Trao đổi với Báo Phụ Nữ, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Hiện nay Cục vẫn đang trong quá trình điều tra nên chưa có kết luận chính thức. Các mẫu hàng đã được gửi tới phòng xét nghiệm để phân tích và sẽ sớm có kết quả”.
www.phunuonline.com.vn

Nấm, nấm ngoại, chất lượng nấm ngoại nhập


© 2021 FAP
  257,224       22/1,051