Sức khỏe

“Oe oe oe” đêm giao thừa bệnh viện

(NLĐO) - Không ai muốn ăn Tết xa nhà, nhất là ăn tết trong... bệnh viện. Nhưng có những nơi, tết trong bệnh viện còn vui hơn tết ở nhà, bởi các y bác sĩ và cả “bệnh nhân” đều đong đầy hạnh phúc, hồi hộp chờ đón những mầm sống mới cất tiếng khóc chào đời.

 “Oe oe oe” đêm giao thừa bệnh viện

ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ:

Mong “mẹ tròn con vuông”

Làm bác sĩ, phải đi trực trong những ngày lễ, Tết là chuyện bình thường. Ngày Tết lực lượng thường mỏng hơn, nên lúc nào mình cũng phải làm việc nghiêm túc, không được để không khí ngày xuân làm lơ là… Đương nhiên những ngày Tết, nhất là đêm giao thừa mà phải xa gia đình, vào bệnh viện làm việc thì ai không buồn chút chút. Nhưng bác sĩ sản khoa chúng tôi lại có cái may mắn trong thời khắc năm mới: được đón chào những công dân đầu tiên; được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của những ông bố bà mẹ. Và cũng như bao người khác, tôi vẫn muốn ca đầu tiên của đêm giao thừa được “mẹ tròn con vuông”. Đó cũng là niềm mong ước lớn nhất mỗi lần tôi bước vào ca trực Tết, bởi tôi hy vọng rằng, một khởi đầu suôn sẻ, bình an sẽ bắt đầu cho một năm bình an.

Tôi nhớ nhất đêm giao thừa cách đây 2 năm, tôi được dịp đón đứa bé đầu tiên của năm Rồng. Trước thời khắc thiêng liêng, lãnh đạo TP, lãnh đạo Sở Y tế, phóng viên báo đài và nhiều anh chị em y bác sĩ chúng tôi đã tập trung lại chờ đợi em bé ra đời. Đó là một bé gái xinh xắn, khỏe mạnh, cất tiếng khóc khoảng 15 phút sau thời khắc giao thừa. Trên gương mặt mọi người đều rạng ngời niềm vui. Cảm giác thiêng liêng, hạnh phúc khi nhìn thiên thần bé nhỏ, xinh xắn khiến tôi quên mất rằng mình đang phải làm việc trong cái đêm đáng lẽ dành cho gia đình…

Những đứa bé ra đời khỏe mạnh, những ca sinh nở bình an là niềm vui của các BS sản khoa trong những ca trực Tết
Những đứa bé ra đời khỏe mạnh, những ca sinh nở bình an là niềm vui của các BS sản khoa trong những ca trực Tết

Năm mới, BV Từ Dũ vừa khánh thành thêm 2 tòa nhà mới. Hy vọng cảnh quá tải không còn, để niềm vui của những gia đình vừa có thêm thành viên mới được trọn vẹn hơn.

 “Oe oe oe” đêm giao thừa bệnh viện

BS chuyên khoa II Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa, BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn:

Được giao “nhiệm vụ... xông đất” gần 20 khoa, phòng

Trong suốt 32 năm làm nghề y, đã nhiều lần tôi đón giao thừa ở bệnh viện, và được cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc được nghe tiếng khóc của những em bé đầu tiên của năm mới.

Ngày trước, khi còn công tác tại BV Từ Dũ, nhiều năm không phải là trưởng ca trực nhưng vẫn được giao “nhiệm vụ” vô bệnh viện sớm nhất để… xông đất, vì mọi người cho rằng tôi “vía nhẹ”, đi “xông” hết các khoa phòng thì trong năm các ca sinh nở sẽ được bình yên. Thế là cũng phải đến BV thật sớm, đi … mỏi chân thăm gần hai mươi khoa phòng hoạt động ngày Tết. Nhưng được cái là vui, vì được chúc Tết mọi người. Cách đây khoảng 6-7 năm, tôi làm trưởng ca trực đúng đêm giao thừa, thế là mâm cúng Tết ở nhà không ai lo, trước khi đi tôi phải dặn dò con gái lớn làm thay và yêu cầu con… báo cáo qua điện thoại. Khi đó con tôi khá lớn rồi, chứ ngày xưa, khi hai con gái tôi còn nhỏ, dù sống chung nhà với cha mẹ chồng, không sợ con không có người trông, nhưng phải xa con vào bệnh viện trực Tết cũng buồn lắm chứ.

 “Oe oe oe” đêm giao thừa bệnh viện

Ăn uống ngày tết trong bệnh viện cũng cực hơn ngày thường.  Chúng tôi thường phân công nhau đem thức ăn, nước uống vào, mỗi người đem một thứ vì ngày Tết hàng quán bên ngoài không ai bán. Rút kinh nghiệm, có năm do không “phân công”  đàng hoàng nên cả nhóm mang toàn... bánh chưng! Vậy là uống nước suối, ăn bánh chưng cả ngày để trừ cơm, thiệt ngán.

Năm nay tôi lại tiếp tục đón “giao thừa bệnh viện” với các đồng nghiệp ở BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn. Chỉ mong chúng tôi lại có thêm một đêm giao thừa vui với những em bé ra đời suôn sẻ, khỏe mạnh.

 “Oe oe oe” đêm giao thừa bệnh viện

PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Chu sinh – sơ sinh TP HCM:

Trực 24/24 bằng... điện thoại!

Tôi vẫn nhớ ngày Tết của mấy năm trước, khi tôi điều hành khoa Sơ sinh của BV Từ Dũ, nơi chăm sóc các bé sơ sinh không may ra đời không được khỏe mạnh như bạn bè, hoặc được chẩn đoán là có nguy cơ nào đó… Tôi không phải trực Tết nhiều, nhưng có trách nhiệm là để điện thoại 24/24, dù có là nửa đêm, có những ca phức tạp thì anh em báo cho biết để mình còn kịp chạy vào tìm cách giải quyết. Nay tôi đã về Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, không có nhiệm vụ phải mở điện thoại 24/24, nhưng như đã thành thói quen, tôi vẫn không bao giờ tắt máy. Thỉnh thoảng, các đồng nghiệp ở các BV vẫn gọi nhờ góp ý vài trường hợp nặng và những trường hợp đó thì lúc nào cũng cần gấp rút. Tôi vẫn nghĩ, nếu mình không sẵn sàng bên chiếc điện thoại vào những thời khắc đó thì biết đâu, có một em bé đã không được giúp đỡ kịp thời. Và một cuộc điện thoại gọi lại, báo rằng em bé đã ổn bao giờ cũng là một niềm vui lớn. Tết năm nay chắc tôi sẽ có nhiều thời gian hơn với gia đình, nhưng chắc chắn rằng, tôi vẫn mong được giúp đỡ các đồng nghiệp đang trực chiến ở BV với chiếc điện thoại luôn mở 24/24, bất kể là ngày Tết, đêm giao thừa hay những giờ phút mà mọi người đang ngon giấc. Và tôi cũng mong, Tết ở các BV sản sẽ thật yên bình, các khoa Sơ sinh cũng yên bình hơn, để các gia đình sản phụ có một cái Tết hạnh phúc trọn vẹn bên thiên thần bé nhỏ của mình.

 “Oe oe oe” đêm giao thừa bệnh viện
Người lao động

sinh con, Tết, sơ sinh, phụ sản, khóc, Giao thừa, em bé sơ sinh


© 2021 FAP
  18,911,997       185/1,995