Sức khỏe

Du Xuân cùng... túi thuốc

Tết đến Xuân về, hãy cùng nhau quẳng gánh lo đi và vui sống. Du lịch đây đó sẽ là lựa chọn số 1 của rất nhiều người

Cho dù bạn đi gần hay đi xa, quốc nội hay quốc ngoại thì chắc mẩm rằng bạn không bao giờ muốn bệnh tật quấy phá. Nếu được chuẩn bị tốt, chọn... thuốc để đồng hành, được tư vấn kỹ bởi bác sĩ và dược sĩ trước khi lên đường thì bạn sẽ giảm được nhiều phiền toái trong khi “phiêu bạt giang hồ”. Dưới đây là những “nguyên tắc vàng”:

1. Rất nhiều loại dược phẩm gây ra hiện tượng “nhạy cảm với ánh sáng” (photosensitivity). Cho dù bạn không bị phỏng nắng nhưng nếu tiếp xúc với những dược phẩm loại này sẽ gây ra các phản ứng làm bỏng da. Vì vậy, trước khi đi xa đến những vùng có nhiều ánh sáng, cần tham khảo ý kiến của dược sĩ xem những loại thuốc bạn đang sử dụng có những “tiềm năng” gây nhạy cảm với ánh sáng hay không.

Bạn cần mang theo tất cả toa thuốc mà bác sĩ đã kê cho bạn trước khi đi xa
Ảnh: 
Hồng Thúy
Bạn cần mang theo tất cả toa thuốc mà bác sĩ đã kê cho bạn trước khi đi xa Ảnh: Hồng Thúy

2. Nếu ngồi trên máy bay, nên để thuốc bạn mang theo trong xách tay. Bạn sẽ dễ dàng tiếp cận chúng khi cần trong suốt chặng bay và cũng không bị mất chúng trong trường hợp hành lý bị thất lạc. Hơn nữa, thuốc men được để trong hành lý xách tay sẽ không bị phân hủy bởi nhiệt độ trong khi khoang đựng hành lý thì nhiệt độ cao có thể khiến thuốc của bạn bị “phế võ công”. Cần lưu ý rằng an ninh sân bay luôn yêu cầu thuốc phải được đựng trong những lọ thuốc nguyên gốc có đầy đủ nhãn.

3. Nếu những loại dược phẩm mà bạn mang theo cần phải dùng tới ống chích (những chế phẩm insulin dùng trong các bệnh tiểu đường), bạn cần phải có toa bác sĩ chứng minh rằng bạn cần chúng trong quá trình bay thì mới có thể mang lên máy bay. Tại Úc, những bệnh nhân tiểu đường luôn giữ số điện thoại của bác sĩ và nhà thuốc để các nhân viên an ninh ở sân bay có thể liên lạc khi cần thiết.

4. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải lưu giữ số điện thoại liên lạc của bác sĩ và nhà thuốc mà bạn mua để phòng trường hợp gặp trở ngại về thủ tục lên máy bay. Điều này cũng có lợi vì một khi bạn hết thuốc hoặc mất thuốc, bạn có thể gọi để hỏi lại bác sĩ và dược sĩ. Do đó bạn cần phải mang theo tất cả toa thuốc mà bác sĩ đã kê cho bạn trước khi bạn đi xa.

5. Nếu bạn phải đi đến những vùng có sự chênh lệch múi giờ, cần hỏi thăm ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để biết chính xác giờ nào bạn sẽ uống thuốc hoặc có thay đổi liều lượng và thời gian sử dụng thuốc hay không.

6. Khi ra nước ngoài, nếu muốn mua thuốc, bạn cần lưu ý những loại thuốc không cần bác sĩ kê toa bởi vì luật dược ở mỗi nước mỗi khác, có vài loại thuốc không cần kê toa ở nước này nhưng lại cần phải có toa bác sĩ ở những nước khác. Một vài loại dược phẩm ở quốc gia mà bạn ghé thăm vốn rất quen thuộc với loại bạn đang sử dụng nhưng bạn cần lưu ý vì chúng tuy có chung thành phần hoạt chất nhưng lại khác về thành phần tá dược. Sự khác nhau này có thể sẽ làm cho bạn mắc phải một số phản ứng dị ứng khi sử dụng.

7. Nếu ghé một quốc gia có khí hậu nóng ẩm, bạn cần bảo quản dược phẩm ở những nơi khô mát và tránh xa ánh sáng mặt trời. Đừng bao giờ để dược phẩm của bạn trong cốp xe, cũng đừng để chúng trong phòng tắm khách sạn vì đây là những nơi rất dễ làm dược phẩm biến chất.

8. Cần phải đem theo thuốc “vượt chỉ tiêu” số ngày mà bạn sẽ xa nhà vì sự đời đâu phải lúc nào cũng êm ả như chúng ta tưởng. Chẳng hạn, đôi khi phải hoãn máy bay và trong tình huống đó, bạn không đến nỗi quá lo lắng vì trong tay đã có đủ thuốc để… “ăn thua đủ” với bệnh tật. 

Người lao động

© 2021 FAP
  18,920,686       85/1,644