Xã hội

Sáp nhập trường lớp: Cần lộ trình phù hợp

Sở GD-ĐT đang khẩn trương rà soát nhân lực, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch sáp nhập trường lớp nhằm đảm bảo tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương...

một số vấn về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) trong giờ học.
Học sinh Trường THCS Trần Phú (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) trong giờ học.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Việc rà soát đội ngũ, hệ thống trường lớp tại các địa phương rất quan trọng, từ đó sẽ có kế hoạch điều chỉnh và sắp xếp cho phù hợp. Việc này được Sở nghiên cứu và thực hiện bài bản theo phương châm khoa học, thận trọng và phù hợp với tình hình thực tế”.

* Khởi động kế hoạch sáp nhập

TP.Biên Hòa là địa phương có quy mô trường lớp và sĩ số học sinh cao nhất tỉnh (tăng từ 8-10 ngàn học sinh/năm). Ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, dự kiến từ năm 2019 TP.Biên Hòa bắt đầu tiến hành sáp nhập một số trường.

Ttrước mắt, trong năm 2019 thành phố sẽ sáp nhập Trường tiểu học Tân Thành với Trường tiểu học Bửu Long (phường Bửu Long). Những năm tiếp theo sẽ sáp nhập Trường tiểu học Hiệp Hòa với Trường THCS Hiệp Hòa (xã Hiệp Hòa), Trường tiểu học Thống Nhất A với Trường tiểu học Thống Nhất B (phường Thống Nhất), Trường tiểu học Tam Phước A và Trường tiểu học Tam Phước B (xã Tam Phước). Đây là những trường nằm gần nhau và quy mô lớp học  phù hợp sáp nhập. Khi sáp nhập sẽ giảm được cán bộ quản lý là hiệu trưởng và hiệu phó, cán bộ văn thư…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, quan điểm về dồn lớp, sáp nhập trường không được thực hiện máy móc mà phải tính toán cụ thể, có lộ trình phù hợp. Mỗi địa phương phải rà soát lại, từ đó có kế hoạch sáp nhập theo từng năm, mỗi năm bao nhiêu trường. Trong quá trình sáp nhập còn vướng điều gì thì phải tham khảo ý kiến của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành Trần Đức Dưỡng cho biết sau khi nghiên cứu, Phòng GD-ĐT đã đề xuất sáp nhập 6 trường với nhau. Cụ thể, Trường mầm non An Viễn sẽ sáp nhập với Trường mẫu giáo Bình An (xã Bình An), Trường mầm non Bình Sơn sáp nhập với Trường mẫu giáo Bình Sơn (xã Bình Sơn) và Trường tiểu học Cẩm Đường sẽ sáp nhập với Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Cẩm Đường). Khi UBND huyện Long Thành chấp nhận chủ trương sáp nhập, Phòng GD-ĐT huyện sẽ xây dựng đề án sáp nhập cụ thể.

Nói về những thuận lợi và khó khăn khi tiến hành sáp nhập các trường lại để giảm đầu mối, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành Trần Đức Dưỡng cho rằng có nhiều khó khăn vì tâm lý ban đầu có nhiều người không muốn sáp nhập, nhất là cán bộ quản lý. Khi sáp nhập 2 trường với nhau thành 1 có thể quy mô số lớp, sĩ số học sinh, cơ sở vật chất quá lớn cũng là một khó khăn trong công tác quản lý về sau. Tuy nhiên, ông Dưỡng cho biết huyện phải đi trước một bước là làm công tác tư tưởng cho lãnh đạo các trường dự kiến phải sáp nhập. Với hiệu trưởng, hiệu phó dôi dư sau khi sáp nhập, huyện sẽ xem xét để luân chuyển.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên, huyện có 80 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó trường công lập có 47 trường. Thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp tinh giản bộ máy, riêng đối với ngành giáo dục, huyện Trảng Bom đã xây dựng kế hoạch và mục tiêu từ nay đến năm 2025 mỗi năm sẽ có 1 cơ sở giáo dục được sáp nhập. Mục tiêu là sau khi sáp nhập đội ngũ được tinh gọn nhưng phải hợp lý, hiệu quả, tránh máy móc.

* Còn nhiều băn khoăn

Huyện Nhơn Trạch là một trong những địa phương sớm thực hiện việc sáp nhập các cơ sở giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cho biết, từ ngày 1-8 huyện đã sáp nhập Trường tiểu học Vĩnh Thạnh với Trường THCS Vĩnh Thanh (cùng ở xã Vĩnh Thanh). 2 trường này trước đây là 1, sau đó tách ra, nay nhập lại. Việc sáp nhập khá thuận lợi vì 2 trường có vị trí gần nhau. Tuy nhiên, có những quy định khi tiến hành sáp nhập trường hiện chưa có, nhất là quy định về tài chính, do đó vẫn phải chờ.

Cô và trò Trường THCS Trần Phú (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) trong giờ học
Cô và trò Trường THCS Trần Phú (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) trong giờ học

Theo lãnh đạo một số trường dự kiến sáp nhập trong thời gian tới, việc sáp nhập các trường học là cần thiết, lãnh đạo các trường sẽ nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng, băn khoăn nhất định như: khi sáp nhập sẽ có một trong 2 hiệu trưởng của 2 trường phải xuống làm phó hiệu trưởng, số phó hiệu trưởng cũng sẽ dôi dư. Bên cạnh đó, việc dôi dư nhiều nhân viên khối hành chính, kế toán, văn thư, thư viện, y tế trường học, tổng phụ trách Đội… phải được giải quyết sắp xếp? Đó là chưa kể đến việc tạo dựng sự đoàn kết thống nhất giữa cán bộ, giáo viên của 2 trường khi tiến hành sáp nhập, vì quá trình sáp nhập chắc chắn sẽ đụng chạm đến quyền lợi, công việc của một số cá nhân.

Phụ trách Phòng GD-ĐT TX.Long Khánh Phan Thành Chánh cho biết ngay trong năm 2018, TX.Long Khánh có 2 trường được sáp nhập. Năm 2019 dự kiến có 5 trường sáp nhập và TX.Long Khánh đã có lộ trình sáp nhập trường lớp từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Long Khánh cho biết, hiện có khó khăn là làm sao sáp nhập được các điểm lẻ của các trường để giảm đầu mối, vì có điểm lẻ cách xa điểm chính đến gần 10km. Khi tiến hành dồn lớp trong thời gian tới cũng sẽ dôi dư khoảng 74 giáo viên và chưa biết sắp xếp công việc như thế nào. Việc sáp nhập còn phải đảm bảo chất lượng dạy và học, đồng thời giữ được danh hiệu trường chuẩn quốc gia, đảm bảo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới…

Còn ông Đặng Kim Tòng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu thì bày tỏ băn khoăn, đặc thù của huyện Vĩnh Cửu cũng giống với một số địa phương vùng sâu, vùng xa khác của tỉnh là địa bàn rộng, đi lại khó khăn, bắt buộc một trường phải duy trì nhiều điểm lẻ để thuận tiện giao thông cho học sinh đến lớp. Điển hình nhất là Trường tiểu học Mã Đà (xã Mã Đà) có tới 5 điểm lẻ, có điểm lẻ nằm cách xa điểm chính đến 20km. Ở những điểm lẻ này mỗi lớp chỉ có khoảng 10 học sinh nhưng không thể sáp nhập được ra điểm chính.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,129,344       4/884