Xã hội

Yến "họa sĩ"

Nhà của cô gái tật nguyền Lương Thị Hải Yến (30 tuổi) nằm sâu trong vườn rẫy khu 7, ấp Cẩm Tân (xã Xuân Tân, TX.Long Khánh), nhưng khi hỏi thăm từ mấy đứa trẻ cho đến các bác nông dân về Yến "họa sĩ" thì ai cũng biết.

Nhà của cô gái tật nguyền Lương Thị Hải Yến (30 tuổi) nằm sâu trong vườn rẫy khu 7, ấp Cẩm Tân (xã Xuân Tân, TX.Long Khánh), nhưng khi hỏi thăm từ mấy đứa trẻ cho đến các bác nông dân về Yến “họa sĩ” thì ai cũng biết.

Nhiều bức chân dung Lương Thị Hải Yến vẽ đều có sự giúp đỡ của cháu trai học lớp 5 Lâm Vĩ Hào.
Nhiều bức chân dung Lương Thị Hải Yến vẽ đều có sự giúp đỡ của cháu trai học lớp 5 Lâm Vĩ Hào.

Bị dị tật từ lúc mới lọt lòng mẹ (do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin), cô bé Yến vẫn khao khát được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Vì vậy, nông dân Lương Văn Gia chịu khó đạp xe đưa con gái đến trường. Năm 1993, khi Yến đang học lớp 5, ông Gia vì bận việc vườn rẫy nên nhờ người thân lấy xe máy chở Yến đi học. Chẳng may, cô bé tật nguyền Yến bị dằn xốc rớt xuống đường dẫn đến chấn thương đầu và nghỉ học luôn từ đó.

Không còn được gặp bạn bè, thầy cô hằng ngày, cô bé Yến ở nhà ngồi xe lăn phụ mẹ (bà Nguyễn Thị Quê) việc nhà và bóc vỏ hạt điều thuê. Khi ngơi tay, cô bé lấy giấy, bút chì ra vẽ để tìm niềm vui. Những nét vẽ hồn nhiên của cô bé Yến được các bác nông dân tấm tắc khen đẹp, còn lũ trẻ con trong xóm thì ngưỡng mộ.

Cuộc sống cứ vậy trôi qua, cô bé Yến vẫn ngồi xe lăn khi bước vào tuổi thiếu nữ. Được cha mẹ mua cho chiếc điện thoại “xịn”, Yến bắt đầu lên mạng tìm học vẽ chân dung truyền thần. Qua đó, chị được giao lưu với nhiều bạn bè có cùng sở thích và được 2 họa sĩ Trương Minh (Hà Nội), Nguyễn Văn Thạo (TP.Hồ Chí Minh) chỉ dạy tận tình. Từ đó, chị nhận được vài mối đặt hàng vẽ chân dung thuê cho các học sinh, sinh viên, công nhân qua kết bạn trên Facebook.

Chị Yến cho biết, mỗi bức chân dung chị vẽ 1-2 ngày là xong và được trả tiền công 250-300 ngàn đồng/bức. Tiền thù lao không nhiều, nhưng chị nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên từ bạn bè và có thêm động lực để tìm tòi, giao lưu học hỏi qua internet.

Năm 2015, vì ngưỡng mộ tài năng của giáo sư, bác sĩ Võ Văn Thành (Trung tâm chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh), chị Yến vẽ bức chân dung bác sĩ Thành rồi đưa lên mạng. Tình cờ bác sĩ Thành biết được người họa bức chân dung cho mình là một cô gái bị bại liệt bẩm sinh ở tít nơi vườn rẫy TX.Long Khánh nên chủ động liên hệ với “họa sĩ” Yến để giúp đỡ. Bác sĩ Thành vận động bạn bè được hơn 175 triệu đồng giúp chị Yến phẫu thuật cột sống. Nhờ vậy, bây giờ chị không còn ngồi lệch một bên trên xe lăn để vẽ một cách khổ sở như trước nữa.

Chị Yến được các cán bộ ở ấp, xã hướng dẫn làm thủ tục để hưởng chế độ trợ cấp dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin theo quy định. Tài hoa vang xa, một công ty nước ngoài thuê chị vẽ tranh thú, bạn bè trên mạng thì thỉnh thoảng nhờ chị vẽ chân dung... Từ đó, chị cảm nhận cuộc sống, tình bạn ngày càng đáng yêu qua những bức chân dung truyền thần được vẽ với sự giúp sức của mẹ và người cháu. “Tôi ao ước có phòng tranh riêng để dạy vẽ chân dung truyền thần cho trẻ em trong ấp, xã nhưng chưa có điều kiện để biến nó thành hiện thực” - chị Yến tâm sự.

Đoàn Phú

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,130,785       2/908