Xã hội

Gia tăng các loại dịch bệnh nguy hiểm

Từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng rất cao. Có nhiều trường hợp bệnh nặng phải theo dõi, điều trị dài ngày.

Một trường hợp bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Một trường hợp bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Nhóm đối tượng mắc bệnh nhiều là trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên. Để hạn chế dịch bệnh lây lan khi bước vào năm học mới, gia đình và nhà trường cần có cách phòng bệnh tích cực.

* Hơn 900 ca sốt xuất huyết/tháng

Tình hình thời tiết mưa nhiều gây ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh có chiều hướng gia tăng.

Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, riêng trong tháng 7 đến những ngày đầu tháng 8, số ca mắc sốt xuất huyết trong tỉnh là hơn 900, gần bằng tổng số ca mắc sốt xuất huyết của 6 tháng đầu năm cộng lại (hơn 1,1 ngàn ca). Trong đó, tỷ lệ người mắc phải nhập viện để điều trị bệnh chiếm hơn 85%. Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là TP.Biên Hòa, tiếp đến là các huyện: Định Quán, Trảng Bom, Nhơn Trạch. 

Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Trần Minh Hòa cho biết với tình hình mưa nhiều như hiện nay, dự kiến cuối tháng 8 và tháng 9 sẽ là thời điểm dịch bệnh tăng cao hơn nữa. Do đó, ở những nơi có mật độ muỗi cao, trung tâm sẽ tiến hành phun thuốc ngay. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng vẫn là tuyên truyền để bản thân mỗi người dân, mỗi gia đình nâng cao nhận thức, biết cách phòng tránh bệnh.

Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng từ đầu tháng 7 đến nay cũng hơn 900, bằng hơn 30% tổng số ca mắc tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 31/32 ổ dịch bệnh tay chân miệng tại các địa phương, nhiều nhất là ở TP.Biên Hòa với 19 ổ dịch.

Ngoài 2 loại dịch bệnh trên, trong tỉnh cũng ghi nhận một trường hợp bị nhiễm virus Zika. Đây là một bệnh nhiễm virus chủ yếu lây lan do bị muỗi đốt, rất nguy hiểm, có thể gây bại liệt. Phụ nữ đang mang thai nếu nhiễm virus Zika có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ.

* Phòng hơn chữa

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Quyền Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, hiện đang là thời điểm để các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng phát triển mạnh. Do vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, mệt mỏi, ăn uống kém, ói mửa nhiều, đau bụng, tiểu ít, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám, nhập viện để can thiệp sớm. Với những trường hợp bệnh nặng có thể gây sốc, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, thận, gan, não, để lâu sẽ có thể gây tử vong.

Nhân viên y tế Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai phun thuốc diệt muỗi tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. ảnh: C.T.V
Nhân viên y tế Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai phun thuốc diệt muỗi tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. ảnh: C.T.V

Còn với bệnh tay chân miệng, đã bắt đầu bước vào năm học mới nên càng cần phải chủ động phòng bệnh. Tại các nhà trẻ, trường mầm non nên chú ý công tác vệ sinh lớp học, đồ dùng, đồ chơi trong lớp. Với những đồ chơi mà trẻ thường xuyên cầm, nắm, đưa lên miệng thì cần phải được rửa sạch, phơi khô. Các gia đình nên chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, diệt muỗi bằng hương muỗi, vợt muỗi, đổ hết các bình, vại, chum đựng nước có thể là nơi cho muỗi sinh sản. Đặc biệt, ở những gia đình có vườn, cây cối rậm rạp, cần phát quang hoặc dọn dẹp sạch sẽ.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho hay ngoài việc thực hiện phun hóa chất trên diện rộng tại những nơi có nguy cơ cao, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh. “Ngành y tế đang phối hợp với ngành giáo dục triển khai tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, đặc biệt là đối tượng học sinh. Qua việc tuyên truyền ở trường, về nhà các em sẽ là những tuyên truyền viên với cha mẹ, trực tiếp thực hiện vệ sinh nhà cửa, phòng chống dịch bệnh” - bác sĩ Huỳnh Cao Hải nói.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,130,553       1/904